Niềm hy vọng…
Tại buổi gặp gỡ đội tuyển bắn súng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Mở đầu từ đây ngành TTVN có thể đạt được bước phát triển mới bền vững cả thể thao quần chúng và đỉnh cao. Chính vì vậy tôi đề nghị Tổng cục TDTT cần tập trung một số mũi nhọn và tạo ra thế mạnh.
Chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cần tập trung cho các VĐV, HLV có điều kiện thi đấu, luyện tập, kể cả chế độ dinh dưỡng cho anh em”.
Trước đó, ngày Hoàng Xuân Vinh cùng đội tuyển bắn súng trở về nước, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Chúng ta sẽ quan tâm hơn cho bắn súng, nhưng không thể nói về câu chuyện tiền bạc nhiều, bởi nếu so về tiền bạc sẽ rất khó.
Đất nước ta so với các nước khác kinh tế không bằng, không thể chỉ dựa vào sự đầu tư bằng tiền. Chúng ta phải có phương pháp riêng, phải có lòng tự tôn, sự chia sẻ, phải có tình yêu quê hương đất nước”.
Những sự chỉ đạo, quan tâm như vậy có thể coi là một cánh cửa mới mở ra hy vọng cho ngành thể thao có những bước phát triển mới, sau sự kiện Hoàng Xuân Vinh giành 2 huy chương Olympic và tạo ra hiệu ứng lớn trong xã hội.
Thế nhưng, vẫn còn đó những bài học từ quá khứ, như ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, Tổng cục TDTT - chia sẻ: “Thực tế, sau Olympic Sydney 2000 có HCB, TTVN rất phấn khởi, sau Olympic Bắc Kinh có 1 HCB cũng rất vui.
Nhưng sau đó, chiến lược để đầu tư cho Olympic chưa rõ ràng. Tôi hy vọng sau chiến công lịch sử của Xuân Vinh, ngành thể thao phải hành động, Bộ VHTTDL cần tập trung quan tâm đầu tư hơn nữa và tham mưu cho Chính phủ để nhận được sự quan tâm cần thiết”.
Và những “tảng băng chìm”...
Cử tạ là môn được kỳ vọng nhiều nhất với 2 gương mặt sáng giá là Thạch Kim Tuấn (56kg nam) và Vương Thị Huyền (48kg nữ). Tuy nhiên, Huyền đã thất bại trong cả 3 lần cử giật, không được xếp hạng thành tích.
Còn niềm hy vọng Thạch Kim Tuấn sau đó cũng không khá hơn, qua được cử giật với 130kg rồi thất bại trong cả 3 lần cử đẩy. Trần Lê Quốc Toàn và Hoàng Tuấn Tài cũng chỉ góp mặt để học hỏi.
Ở môn bơi, Ánh Viên dự 3 nội dung sở trường. Ở nội dung 400m hỗn hợp “tiểu tiên cá” đạt thành tích 4 phút 38 giây 85, vượt qua thành tích ở giải VĐTG năm 2015 (4 phút 38 giây 78), hơn kỷ lục SEA Games 28 tới 6 giây.
Đáng tiếc là kình ngư Việt Nam đã không thể góp mặt ở chung kết. Ở nội dung 400m tự do và 200m hỗn hợp, Ánh Viên đã không vượt qua chính mình với thành tích kém hơn thành tích cũ.
Còn Hoàng Quý Phước cũng thất bại so với chính mình khi dự thi 200m tự do với thành tích 1 phút 50 giây 39, thấp hơn so với HCV SEA Games 28 anh đạt thành tích 1 phút 48 giây 96.
Cầu lông là 1 trong 2 môn đến Olympic không có HLV, nhưng “vợ chồng” Tiến Minh và Vũ Thị Trang đã tự lo được cho nhau và thi đấu đầy cố gắng.
Nguyễn Tiến Minh đã thắng 2 trận ở vòng bảng và chỉ dừng bước trước Lin Dan (Trung Quốc). Còn Vũ Thị Trang thua tay vợt Nhật Bản và thắng đối thủ Indonesia nhưng không thể đi tiếp.
Ngoài ra, ở môn điền kinh, cả Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thành Ngưng đều không thể vượt qua thành tích tốt nhất của chính mình, như nhiều chuyên gia dự đoán trước đó. Môn đấu kiếm, Như Hoa và Lệ Dung thua ngay trận đầu.
Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng (TDDC) cũng chỉ cố gắng hết khả năng có thể. Văn Ngọc Tú đến Olympic một mình và nỗ lực thắng võ sĩ người Italia ở vòng đầu rồi bị loại bởi võ sĩ Hàn Quốc. Rowing gây bất ngờ khi Hồ Thị Lý và Tạ Thanh Huyền vào tới đợt đua bán kết.
Đằng sau thành công của Hoàng Xuân Vinh, cần có một cái nhìn trực diện, thực tế hơn với những môn thể thao khác của Việt Nam tranh tài ở Olympic.
Dù không giành thêm được huy chương, có những người thất bại nhưng cũng đã có những người vượt qua chính mình ở đấu trường khốc liệt này.
Điểm lại một loạt gương mặt, để có thể thấy rằng, TTVN cần phải được đầu tư mạnh hơn, có chiến lược hơn để sau mốc son Hoàng Xuân Vinh sẽ có những nấc thang mới, mở ra cánh cửa để TTVN thay đổi, bơi ra biển lớn và có nhiều cơ hội hơn thay vì chờ vào may mắn.