Bi kịch bóng đá VN: CLB "bị ép" lên hạng, cầu thủ ăn chẳng đủ no

Khánh Sơn |

Các cầu thủ của đội hạng Nhất Cà Mau đe dọa bỏ vòng đấu cuối cùng tại giải hạng Nhất 2016. Chuyện không chỉ có thế…

Chuyện chiếc vé đi… xin

Trong cái ngày CLB TP.HCM đăng quang ngôi vô địch giải hạng Nhất, họ đã biến Cà Mau thành cái "rổ đựng bóng" khi giã vào lưới đến 7 bàn không gỡ.

Trên băng ghế kỹ thuật, GĐKT Lai Hồng Vân ngồi như bất động. Ông cũng chẳng muốn thay người hay chỉ đạo. Sau trận đấu, nhà cầm quân này chỉ nói đúng một câu: "Chán lắm rồi, đá đấm gì nữa!".

Bi kịch bóng đá VN: CLB bị ép lên hạng, cầu thủ ăn chẳng đủ no - Ảnh 1.

Cà Mau vừa thiếu lại vừa yếu.

Đúng là vậy thật. Sẽ chẳng quá khi nói rằng, Cà Mau không phải một đội bóng. Mà thực tế, họ chưa bao giờ là một đội bóng đúng nghĩa khi hàng ngày phải vắt chân lên cổ để lo miếng ăn, chứ đừng nói đến chuyện trụ hạng.

Lật lại chuyện cũ. Kết thúc giải hạng Nhì 2015, Cà Mau bị đẩy vào thế phải lên hạng, chứ thật sự chưa sẵn sàng về mọi mặt.

Ngân sách dự tính được dự chi chỉ khoảng được chục tỷ đồng. Ngặt nỗi nếu (phải) lên hạng, họ phải cải tạo mặt sân và làm lại giàn đèn, cùng nhiều hạng mục khác dự tính lên tới 4,6 tỷ đồng.

Sau bao cuộc họp bàn, Cà Mau đã có công văn xin rút lui vì không có tiền. LĐBĐ Việt Nam (VFF) đưa ra phương án, Bình Định (đội đã thua chính Cà Mau trong trận play-off) lên thế chân.

Người đất Võ đã sẵn sàng và làm mọi thứ có thể để không bị mang tiếng bị "dí" cho suất thăng hạng. Ấy vậy mà đùng một cái, Cà Mau lại xin được tiếp tục đá hạng Nhất.

Là người đứng giữa, VFF đau đầu thực sự, họ phải họp bàn xem lại tư cách của Cà Mau. Nhưng dù có thế nào đi nữa, thì chưa bao giờ người ta thấy, một suất đá tại giải hạng Nhất, giải đấu đứng thứ 2 của Việt Nam lại được kỳ kèo giống như "đi chợ mua con cá bó rau" như thế.

Đương nhiên, dự cảm về một tương lai ảm đạm cho Cà Mau đã được báo trước, vì cái cách làm bóng đá của nơi này chẳng giống ai.

Lên cho nó… chết

Một đoàn kiểm tra do Phó Chủ tịch VFF – Nguyễn Xuân Gụ dẫn đầu đã vào Cà Mau để xem thực tế hiện trạng cơ sở vật chất, cũng như những điều khoản liên quan đến tiền bạc khi Cà Mau lên hạng Nhất.

Phía Cà Mau, ông Trần Hồng Quân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp để bàn hướng đi cho đội bóng của tỉnh nhà. Những lời hứa và những kế hoạch đã được thông qua. Thế nên ai ai cũng khấp khởi mừng cho bóng đá đất Mũi.

Thế nhưng, niềm vui ấy chẳng được tày gang khi mà đội bóng này "đá đâu thua đó". Từ đây, người ta mới thấy lộ ra những chuyện bi hài ở Cà Mau.

Chẳng hạn như trợ lý của ĐT Việt Nam là Trần Công Minh được mời về dẫn dắt đội nhưng lại không chịu ký hợp đồng.

Cũng sau trận thua TP.HCM trên sân nhà ở vòng 2, ông Minh về Đồng Tháp rồi chẳng thấy "bóng chim tăm cá". Bằng một thời gian, người ta thấy ông Minh lên làm HLV trưởng của Đồng Tháp thì tất cả mới sững sờ: À ra thế!

Lại nói đến đội bóng thời Công Minh. Đương kim HLV của Đồng Tháp hiện tại, chủ yếu lấy về những học trò ruột của mình. Trong thời gian tu sửa sân Cà Mau, đội bóng này về đóng quân tại Vĩnh Long.

Đã rất nhiều lần, cầu thủ của đội kêu ca rằng, ăn uống quá kham khổ. Cơm ăn không no, thức ăn thì quơ vài đũa đã hết. Thậm chí, cầu thủ phải móc tiền túi để mua thêm đĩa trứng rán, ăn thêm tập cho có sức.

Bi kịch bóng đá VN: CLB bị ép lên hạng, cầu thủ ăn chẳng đủ no - Ảnh 2.

HLV Lai Hồng Vân lãnh trách nhiệm chèo lái con thuyền Cà Mau nhưng không thể cứu đội bóng này thoát cảnh xuống hạng.

HLV Lai Hồng Vân về thay cho người đồng nghiệp. Ông Vân háo hức lắm khi chưa đến nhậm chức. Được "vài nốt nhạc" thì nhà cầm quân này lắc đầu ngao ngán: "Bể lắm ông ạ!. Cả đội có ai biết ai đá bóng đâu, không biết họ làm cái gì thế này không biết".

Hết giai đoạn 1, ông Vân đuổi hơn 1 nửa đội hình khỏi Cà Mau. Những tưởng súng đạn ngon lành, ai ngờ đội lại thua không ngẩng mặt lên. Bằng chứng, sau 17 vòng đấu, Cà Mau chỉ giành duy nhất 1 trận thắng, còn lại 5 trận hòa và được 8 điểm, một con số quá tồi tệ.

VFF và VPF có tội không?

Cà Mau đã đặt chân xuống hạng Nhất. Cái chết này đã được dự báo từ trước khi mà cách làm bóng đá của nơi đây rất nửa vời.

Từ chuyện cái sân như "sân làng" được VFF và VPF gật đại cho xong và sửa chữa, rồi đến chuyện những lời hứa bảo đảm về mặt tài chính của đội bóng này không được giám sát rốt ráo.

Hệ lụy, những cam kết ban đầu chỉ nằm trên bàn giấy. Cho đến thời điểm này, Cà Mau vẫn còn nợ lương thưởng cầu thủ. Chính vì thế, họ đang tính bỏ trận đấu cuối ở hạng Nhất vì đá cũng chẳng được gì.

Thực tế, những cầu thủ của đội bóng đất Mũi đang đòi nợ kiểu… Chí Phèo. Có vẻ như họ đã rơi đường cùng, bởi kinh nghiệm từ việc bỏ giải của An Giang hay Kiên Giang cho thấy, khi đội bóng rớt hạng thì "tiền vỗ cũng cánh bay".

Rõ ràng, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều đội bóng "bị ép" lên hạng để rồi phải sống trong cảnh lay lắt và bị "khai tử".

Bài học An Giang, Kiên Giang vẫn còn đó. Vậy mà VFF, VPF vẫn "ngó lơ". Ở đây người chịu thiệt chính là cầu thủ, những người lao động chứ không ai cả.

Và chắc chắn, giải đấu như thế này cũng kém vui khi mà chưa tấm màn nhung chưa kéo lại đã xuất hiện những tiếng cười pha trộn nước mắt!.

Cầu thủ ăn cơm tấm ra sân

Trước trận đấu với TP.HCM ở vòng 17, cầu thủ Cà Mau được phát mỗi người 200 ngàn tiền ăn. Vậy nên, các cầu thủ phải vật vờ đi kiếm quán cơm tấm để no cái bụng. Đây không phải là lần đầu mà những lần trước cũng thế, đội bóng này cho các cầu thủ "tự xử" trong việc ăn uống.

Vỡ mộng thiếu gia

Trong đề án đề nghị lên UBND tỉnh Cà Mau, Sở VH,TT&DL Cà Mau kiến nghị được cắt thêm những khu đất Vàng xung quanh sân vận động để kinh doanh nuôi bóng đá. Được biết khu đất này lên tới 12ha nhưng rốt cuộc, chưa kịp làm thì Cà Mau rớt hạng mất rồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại