TTCK Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Thế giới trong 2 tháng đầu năm 2018

Minh Anh |

Trước đó, trong năm 2017, VnIndex cũng là một trong ba chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt nhất Thế giới với mức tăng gần 50%.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng tháng 2/2018, chỉ số VnIndex dừng tại 1.121,54 điểm, tăng gần 14% so với đầu năm. Với mức tăng kể trên, VnIndex đã vươn lên trở thành chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất Thế giới tính từ đầu năm.

Không chỉ bứt phá mạnh về điểm số mà thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể. Những phiên giao dịch với giá trị 10.000 tỷ đồng không còn là điều hiếm gặp trên TTCK Việt Nam.

 TTCK Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Thế giới trong 2 tháng đầu năm 2018  - Ảnh 1.

VnIndex là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới từ đầu năm tới nay

Sự bứt phá mạnh mẽ của TTCK Việt Nam trong thời gian qua bắt nguồn từ sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế khi Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất Thế giới, bất chấp những bất ổn gần đây trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của khối ngoại cũng đóng vai trò quan trọng cho đà bứt phá của thị trường. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, giá trị mua ròng của khối ngoại đã lên tới 12.000 tỷ đồng, đây là con số kỷ lục của TTCK Việt Nam trong cùng giai đoạn.

Một yếu tố khác thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường đến từ việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước.

Theo Quyết định 991/TTg-ĐMDN, năm 2018 sẽ có những tên tuổi lớn tham gia cổ phần hóa là MobiFone, VTC, Genco 1 và 2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)…

Các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ là cơ hội thu hút dòng tiền lớn từ NĐT trong và ngoài nước do hiện tại sau khi IPO, doanh nghiệp sẽ lên niêm yết trên Upcom trong 90 ngày nếu đủ điều kiện, tạo thanh khoản cho nhà đầu tư.

Ngay trong tháng 3 này, những tên tuổi ngành dầu khí như Lọc dầu Bình Sơn (BSR), PVPower, PVOil sẽ lên sàn và điều này sẽ mang đến làn gió mới cho thị trường.

Về kế hoạch thoái vốn, trong năm 2018, Nhà nước cũng có kế hoạch thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn, có thể kể tới như Petrolimex, ACV, TCT Dược, Lilama, Viglacera, Habeco…

Bên cạnh đó, danh mục thoái vốn của SCIC như Domesco, Bảo Minh, Vinaconex, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, FPT…cũng rất đáng chú ý. Hiện tại, SCIC đã đưa ra giá khởi điểm cho BMP là 96.500 đồng/cp và mức độ thành công của thương vụ này sẽ là phép thử cho các đợt thoái vốn Nhà nước trong năm 2018.

Ngoài ra, việc ngày càng có nhiều ngân hàng, doanh nghiệp tư nhân lớn lên sàn Vincom Retail, HDBank, VPBank, Vietjet Air…cũng giúp thị trường có thêm nhiều hàng hóa chất lượng, từ đó thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 TTCK Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Thế giới trong 2 tháng đầu năm 2018  - Ảnh 2.

VnIndex trên đà vượt đỉnh lịch sử

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại