TT Trump cử 2 quan chức "diều hâu" đi du thuyết 11 nước, Mỹ vừa đấm vừa xoa đồng minh Trung Đông

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Chuyến thăm của 2 quan chức cấp cao hàng đầu có quan điểm hiếu chiến nhất đến Trung Đông lần này là nhằm làm rõ chính sách của Mỹ đối với khu vực sau tuyên bố rút quân khỏi Syria.

Mỹ trấn an các nước đồng minh

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến công du 9 nước Trung Đông (8-15/1/2019) gồm 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Iraq, Jordan và Ai Cập. Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng đã có chuyến thăm Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyến thăm của 2 quan chức cấp cao hàng đầu có quan điểm hiếu chiến và cực đoan nhất của Nhà Trắng đến Trung Đông lần này là nhằm làm rõ chính sách của Mỹ đối với khu vực sau tuyên bố ngày 19/12/2018 của Tổng thống Donald Trump rút quân khỏi Syria.

Bài phát biểu của ông Pompeo tại Cairo ngày 10/1/2019 đã đề cập đến quan điểm của Washington đối với các vấn đề chính của khu vực Trung Đông.

TT Trump cử 2 quan chức diều hâu đi du thuyết 11 nước, Mỹ vừa đấm vừa xoa đồng minh Trung Đông - Ảnh 1.

Thái tử UAE Sheikh Mohamed bin Zayed chào đón Ngoại trưởng Pompeo trước Cung điện Al Shati. Ảnh: Mohamed Al Hammadi

Trong bài phát biểu này, ông Pompeo đã khẳng định không có sự thay đổi nào trong chiến lược của Mỹ chống Iran, chống khủng bố và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), trước mắt là tăng cường các biện pháp cấm vận và cô lập Teheran.

Mặc dù nhiều chủ đề được đưa ra bàn thảo, nhưng ông Mike Pompeo đã đặt tâm điểm vào việc tăng cường các biện pháp trừng phạt, cô lập Teheran và thành lập một Liên minh chiến lược tại Trung Đông (MESA) với mục đích chủ yếu chống Iran.

Đây là hai nội dung chính được trao đổi với các nhà lãnh đạo các nước đến thăm của hai ông Pompeo và Bolton. Trong bối cảnh khu vực cũng như quốc tế hiện nay việc đạt được đồng thuận đối với hai vấn đề trên hoàn toàn không dễ dàng.

Chính sách cấm vận, cô lập Iran khó đạt kết quả mong muốn

Không thể nói chính sách cấm vận của Tổng thống Mỹ Donald Trump không gây khó khăn to lớn cho Iran. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì hiệu quả của chính sách này không được như mong muốn.

Các nước Ả Rập vùng Vịnh có lợi ích khác nhau trong quan hệ với Iran. Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh từ tháng 6/2017 đến nay đang chia rẽ sâu sắc các nước thành viên GCC. Qatar, Oman, Kuwait tức là một nửa số thành viên GCC muốn duy trì quan hệ tốt và không tham gia trừng phạt Iran.

Thậm chí các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) công kích Iran rất mạnh, nhưng lại có lợi ích kinh tế lớn trong quan hệ với Iran.

Hiện nay có đến hơn 2000 công ty của Iran đang hoạt động tại UAE, góp phần quan trọng vào nền kinh tế của nước này. Ả Rập Saudi là nước đi đầu trong cuộc đối đầu với Iran thì nay đang gặp khó khăn trong quan hệ với các nước phương Tây, trong đó có Mỹ do vướng vào vụ sát hại dã man nhà báo Jamal Khashoggi.

Trên một bình diện khác, Iran đã tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều nước sau khi Tổng thống Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) tháng 5/2017.

TT Trump cử 2 quan chức diều hâu đi du thuyết 11 nước, Mỹ vừa đấm vừa xoa đồng minh Trung Đông - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ đang trong chuyến công du 9 nước Trung Đông. Ảnh: Mohamed Al Hammadi

Bốn trong số năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, năm nước nhóm BRICS gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.....chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn duy trì quan hệ kinh tế, thương mại với Teheran.

Đặc biệt, sau việc Washington tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran kể từ tháng 9/2018 đến nay, dầu mỏ Iran vẫn được bơm ra thị trường thế giới.

Như vậy, có thể nói chính sách cấm vận và cô lập Iran mặc dù có gây khó khăn cho nước này, nhưng hiệu quả thấp, không bóp nghẹt được nền kinh tế Iran.

Các biện pháp này chỉ gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Iran với Mỹ, giữa Iran với các nước Ả Rập, không góp phần vào hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông. Các biện pháp cấm vận này của Washington còn gây thêm thù hằn giữa người dân Iran với chính quyền Mỹ.

Kế hoạch thành lập Liên minh quân sự "NATO Ả Rập" khó đạt được đồng thuận

Kế hoạch thành lập một liên minh quân sự gọi là "NATO Ả Rập" với sự tham gia của sáu nước thành viên GCC, Ai Cập, Jordan và có thể cả Israel nữa do Mỹ lãnh đạo đã có từ lâu, nhưng đến nay vẫn chỉ là ý tưởng mà thôi.

Việc thành lập một Liên minh như vậy rất khó có thể đạt được sự đồng thuận của các nước trên do sự khác nhau về quan điểm cũng như về lợi ích trong quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự với Iran.

Trước đây, ngay sau khi bước vào Nhà Trắng, trong chuyến thăm Trung Đông tháng 5/2017, Tổng thống Trump đã đưa ra kế hoạch thành lập một liên minh chống khủng bố, chống Iran với sự tham gia của hàng chục nước, nhưng rồi Liên minh này vẫn chỉ nằm trên giấy, không hoạt động được gì.

TT Trump cử 2 quan chức diều hâu đi du thuyết 11 nước, Mỹ vừa đấm vừa xoa đồng minh Trung Đông - Ảnh 3.

Liên minh Ả Rập trong cuộc chiến chống lại phong trào của người Houthi tại Yemen với sự tham gia của 10 nước dưới sự lãnh đạo của Ả Rập Saudi từ tháng 3/2015 đến nay với thiệt hại hàng trăm tỷ USD và nhiều binh lính bị thiệt mạng, nhưng không giành được thắng lợi, cuối cùng phải tuyên bố ngừng bắn và bước vào đàm phán. tại Geneva.

Trong tình hình như vậy, liệu một liên minh chống Iran có tiêu diệt được Iran hay không?

Việc Tổng thống Trump tuyên bố rút 2000 quân lưới Syria và sắp tới có thể rút 7000 quân nữa khỏi Afghanistan là nằm trong chính sách của Washington nhằm giảm sự có mặt của Mỹ ở Trung Đông, xoay trục sang châu Á, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, tập trung vào đối thủ chính đang cạnh tranh vị trí cường quốc số một của Mỹ trên thế giới hiện nay là Trung Quốc.

Washington không thể cùng một lúc đối phó trên nhiều mặt trận. Iran không phải là mối đe dọa đối với Mỹ. Việc ngăn chặn ảnh hưởng của Iran là mối quan tâm của các nước vùng Vịnh.

Ông Trump đã tuyên bố rõ ràng rằng: "Mỹ không muốn đóng vai trò cảnh sát của khu vực Trung Đông và sẽ không hy sinh tiền bạc và sinh mạng của người Mỹ cho một cuộc chiến tranh của người khác". Việc thổi phồng căng thẳng và nguy cơ Iran chẳng qua là nhằm tranh thủ quan hệ kinh tế và bán vũ khí cho các nước vùng Vịnh.

Sứ mệnh của hai ông Pompeo, Bolton đến Trung Đông không đơn giản

Nội bộ nước Mỹ đang lục đục. Quyết định của Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria không giành được sự ủng hộ của Quốc hội và đảng Dân chủ, thậm chí trong nội bộ đảng Cộng hoà.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Đại diện đặc biệt của Mỹ trong Liên minh chống IS Brett McGurk đã phải từ chức.

Ông Trump bất đồng với Quốc hội Mỹ về việc buộc trách nhiệm cho Thái tử Bin Salman của Ả Rập Saudi trong vụ sát hại nhà báo J. Khashoggi.

Mỹ không giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh kéo dài hơn một năm rưỡi nay. Kế hoạch giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine đến nay vẫn chưa được công bố..., chưa kể đến nhiều vấn đề nội bộ khác mà ông Trump đang phải đối phó.

Trong tình hình có nhiều vấn đề phức tạp như vậy, sứ mệnh của Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn anh ninh quốc gia Bolton đến Trung Đông không đơn giản, chủ yếu là để xoa dịu dư luận và khó có thể đạt được kết quả mong muốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại