Quan hệ Nga-Trung "căng thẳng"
Đại dịch Covid-19 đang khiến cho mối quan hệ hữu hảo giữa hai quốc gia Nga và Trung Quốc trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây. Hai nước đã cam kết hợp tác để đối phó với dịch bệnh và đều phản đối việc Mỹ buộc tội cho Bắc Kinh về sự bùng phát của dịch bệnh này.
Tuy nhiên, số ca nhiễm bệnh đang tăng lên nhanh chóng tại Nga.
Nền kinh tế Nga cũng đang hứng chịu khủng hoảng kép: Tình trạng phong tỏa do dịch Covid-19 và giá dầu toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Kể từ tháng 3 tới nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm ba lần nhằm thảo luận các biện pháp chống dịch chung của hai nước.
Tuy vậy, theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong - SCMP), một số nhà quan sát tin rằng Nga đang tiến gần hơn về phía Mỹ và chỉ ra rằng ông Putin đã nói chuyện với Tổng thống Donald Trump sáu lần trong cùng thời gian này.
Hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 26/4 nhân dịp kỷ niệm 75 năm cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa quân đội Mỹ và Liên Xô trong thế chiến II ở bờ sông Elbe. Tuyên bố nói rằng Tinh thần của Elbe là “một ví dụ minh họa cho việc các quốc gia có thể gạt bỏ sự khác biệt, xây dựng niềm tin và hợp tác để theo đuổi một mục đích cao cả hơn”.
Tạp chí Phố Wall bình luận rằng tuyên bố này đã khiến cho các quan chức và chính trị gia Mỹ cảm thấy khó hiểu vì sự khác biệt chính trị giữa hai quốc gia. Một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng tuyên bố này là một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Nga đang ấm lên.
Ông Thời Ân Hồng, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc) nhận định: “Tuyên bố ngày 26/ 4 cho thấy Nga và Mỹ có thể hợp tác với nhau. Trong khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang xấu đi thì mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump vẫn tốt đẹp”.
Tính đến nay, Covid-19 đã lây nhiễm hơn 260.000 người và khiến cho hơn 2.000 tử vong người tại Nga. Còn tỉnh Hắc Long Giang đã ghi nhận hơn 380 trường hợp nhiễm Covid-19 từ bên ngoài, hầu hết bệnh nhân đến từ Nga.
Một con đường gần như vắng lặng ở Moscow, Nga, vào ngày 13/4/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ông Thời bình luận, đại dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, một phần là do Moscow đã quyết định đóng cửa biên giới chung từ cuối tháng 1.
“Việc Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ rất sớm đã gây ra nhiều vấn đề khó khăn cho các công dân Trung Quốc ở nước này”, ông Thời nói.
Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, nhóm chuyên gia về chính sách đối ngoại, cho biết mặc dù dịch Covid-19 đã khiến cho quan hệ hai nước căng thẳng nhưng “cho đến nay, điều này chưa gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng nào cho cả hai bên”.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 16/4, Tổng thống Putin cho biết, nước Nga đã phản đối bất kỳ sự buộc tội nào cho Trung Quốc về cách ứng phó đại dịch. Cả hai nước đều không nêu tên bất kỳ quốc gia thứ ba nào trong tuyên bố của họ, nhưng ai cũng biết quốc gia ám chỉ ở đây chính là Mỹ, khi người đứng đầu Nhà Trắng thường xuyên đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã không kiểm soát được dịch bệnh này từ đâu.
Trong một cuộc điện đàm khác vào ngày 8/5, ông Tập đã so sánh những nỗ lực đánh bại virus corona giống như cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít hồi Thế chiến II.
Trung Quốc cũng đã gửi các đội ngũ nhân viên y tế và thiết bị đến Nga.
Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng với Nga
Việc phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế, nhưng Moscow đang hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề do giá dầu sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Một số nhà quan sát đã cảnh báo rằng hoạt động xuất khẩu dầu từ Nga sang Trung Quốc sẽ giảm khi một nhà máy thuộc tập đoàn Gazprom, nhà sản xuất gas tự nhiên chính của Nga, cho biết họ sẽ ngừng hoạt động tại một mỏ khí tại Siberia do một số công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Nhưng ông Alexander Gabuev, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết cuộc khủng hoảng y tế có thể giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng và những nỗ lực phục hồi nền kinh tế trong nước sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Theo số liệu của hãng Reuters, nhập khẩu dầu thô tháng 3 của Trung Quốc từ nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Ả Rập Saudi đã giảm 1,6% so với một năm trước đó, trong khi lượng dầu mua từ Nga đã tăng 31%. Đầu tháng này, Gazprom cho biết họ đang cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc theo kế hoạch.
“Khi nói đến dầu và khí đốt, có lẽ là mặt hàng quan trọng nhất đối với Nga, Trung Quốc đang có lợi thế để quyết định có nên cắt giảm khối lượng mà họ mua từ vùng Vịnh hay Mỹ Latin hay không. Các quốc gia khác trong vùng Vịnh là các đồng minh của Mỹ, hoặc chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ như Ả Rập Saudi. Nếu Trung Quốc muốn biến cuộc khủng hoảng này thành một cơ hội và gia tăng sự quản lý của mình đối với một số tài sản quan trọng thì Nga và Trung Á chắc chắn là một lựa chọn hợp lý. Và tôi hy vọng đây sẽ là một trong những xu hướng chính trong năm nay”, ông Gabuev nói.
Cũng theo lập luận của ông Gabuev, nếu Nga muốn bán thêm dầu cho Trung Quốc, Bắc Kinh có thể yêu cầu Moscow cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều quyền lợi hơn tại các mỏ dầu quan trọng của Nga.
Ông Lý Lập Phàm, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vẫn cao và Nga vẫn là nhà cung cấp năng lượng ổn định nhất.
Ông này cho biết nước Nga đã tiến hành dự trữ vàng và ngoại tệ để chống lại tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, sau khi sáp nhập Crimea. Điều này giúp cho Moscow có được vị thế tốt hơn để đối phó với tác động kinh tế của đại dịch. Theo số liệu từ ngân hàng trung ương Nga đến ngày 1/5, giá trị vàng và ngoại tệ dự trữ đạt 566 tỷ USD.
“Nền kinh tế Nga Nga có khả năng phục hồi nhanh hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới vì đã có kinh nghiệm từ việc chống lại các lệnh trừng phạt từ phương Tây áp đặt từ năm 2014. Và nước Nga đã học được cách đối phó với cuộc khủng hoảng tương tự như vậy” ông Lý nói.