TT Mỹ mặc quần jeans khi làm vườn, chứ không phải khi tiếp nguyên thủ trong Nhà Trắng

Hiệu Minh |

Có hôm thấy đồng nghiệp chơi quần bò, áo cộc tay, mình thì comple đóng hộp, xấu hổ muốn chui xuống gầm bàn. Mãi sau mới hiểu có thông báo về dress code mà mình không đọc.

Có doanh nhân tới hội thảo quốc tế mặc áo cộc tay cá sấu đỏ chót...

Hồi trẻ tôi đi tìm hiểu các em luôn bị phốt. Tới nhà cô bạn đầu tiên, mình chơi dép tổ ong, áo bỏ ngoài quần, bị bà mẹ chê, thằng cu này nhà quê, không thể chấp nhận được.

Mãi sau mới tìm được cô thứ hai, mình cẩn thận áo quần là lượt, tóc chải bóng, xịt gôm, thì ông bố chê, đóng hộp kiểu này chắc chỉ biết tiêu tiền.

Nhớ có doanh nhân tỷ phú xứ Việt được cộng đồng mạng khen do anh tới hội thảo quốc tế toàn các vị đóng hộp thì anh ấy chơi cái áo cộc tay cá sấu đỏ chót lên phát biểu.

Đó được gọi là sự lạc nốt. Khi dàn nhạc biểu diễn thì mọi nhạc công phải chơi đúng với từng nốt nhạc soạn cho bản nhạc đó. Ai đó đánh sai thì gọi là lạc nốt và làm hỏng cả buổi biểu diễn.

Việc ban lãnh đạo một tỉnh ra thông báo cho nhân viên về cách ăn mặc, nhất là không mặc quần bò, đang làm nóng trên mạng xã hội. Hầu hết đều "dịch" thông báo này một cách trái chiều, nghĩa là mặc quần bò là do dân chăn bò mặc, không được mặc đến văn phòng là coi thường nguồn gốc nông dân.

Khi phản đối việc cấm mặc quần bò, nhiều bạn đưa lên mạng xã hội hình ảnh các tổng thống Mỹ mặc quần jeans. Nhưng thực ra đó là khi các ông đi làm vườn, trồng cây, chứ không phải vào Nhà Trắng tiếp các nguyên thủ.

Hướng dẫn mặc quần áo ra sao là cách hành xử văn hóa tại chốn công quyền, dân mặc quần sooc, nhưng nhân viên chính phủ nhất định phải ăn mặc trang trọng. Không comple cravat thì cũng phải đàng hoàng, một thái độ đúng mực trong ứng xử nơi công cộng thể hiện qua quần áo.

Trong một chương trình tivi "Little Big Shots" do Steve Harvey làm MC được ưa thích ở Mỹ có cậu bé James 3 tuổi đóng vai thị trưởng, ăn mặc rất chững chạc, áo ghi lê, quần thẫm, cravat, giầy đen.

MC đùa là ông cũng trang phục mầu đen vì biết thị trưởng cũng đóng bộ như thế. James thích thú hét lên phát hiện MC Harvey cũng đi giầy đen và dây giầy mầu đen làm trường quay cười nghiêng ngả.

Tới một nơi trang trọng như trường quay tivi, vào vai thị trưởng, thì nhất định phải đóng bộ "hộp" dù chỉ là đứa bé 3 tuổi. Cậu bé được cha mẹ dạy "dress code – mã trang phục" nên mới hiểu dây phải cùng mầu với giầy, quần áo, tất chân cùng tone mầu.

Hội thảo Think Tank khu vực vừa gửi giấy mời cho tôi đi dự bên Myanmar vào cuối tháng. Chương trình có một dòng nho nhỏ lưu ý về trang phục "smart casual", nghĩa là quần li, giầy buộc dây, áo sơ mi dài tay, không nhất thiết phải đeo cravat. Chỉ cần chi tiết đó đã giúp cho người tham dự không bị "hố" trong ăn mặc, người comple không ngồi cùng quần lửng, áo thun.

Cuối tuần trước tôi làm MC cho hội thảo "BOT – Chính sách và Giải pháp", giấy mời không đề phải ăn mặc ra sao, nhưng nghĩ sự kiện có nhiều vị bên Quốc hội, chính phủ, luật sư và chuyên gia tài chính tham dự, nên tôi phải diện sơ mi, quần âu, giầy đánh bóng, trong cặp thủ cái cravat phòng khi toàn các vị bên quốc hội và luật sư ăn mặc đàng hoàng.

Nhưng tới nơi mới thấy mình hơi "lạc nốt" vì hầu hết là áo cộc tay, quần âu, quần bò, lẫn lộn, giầy tây chen với giầy lười thậm chí cả dép lê. Có một diễn giả quen sống bên Mỹ mấy chục năm chọn comple, cravat, đầu chải bóng, và chắc ông cảm thấy lạc giữa kiểu quần áo rất đa dạng. Vì trong giấy mời không đề rõ, trang phục dự hội thảo phải như thế nào.

Nên xây dựng cho mình thói quen ăn mặc theo dress code cho khỏi lạc mốt

Tôi làm ở World Bank một thời gian dài mới hiểu dress code. Hồi mới sang (2004), mình đi làm làm đôi giầy thể thao Nike 80$ với quần ly, áo sơ mi bỏ trong quần, cứ tưởng mình hay. May mà không đeo cravat.

Đi làm hơn một tuần thấy các đồng nghiệp nam chơi comple hộp thấy ngại nên phải thay đổi bằng comple nhưng giầy không cùng mầu. Mất cả tháng mới hiểu là comple thì phải giầy, tất đồng mầu, không comple với giầy lười (không buộc dây) hoặc đi tất thể thao.

Có hôm thấy đồng nghiệp chơi quần bò, áo cộc tay, mình thì comple đóng hộp, xấu hổ muốn chui xuống gầm bàn.

TT Mỹ mặc quần jeans khi làm vườn, chứ không phải khi tiếp nguyên thủ trong Nhà Trắng - Ảnh 1.

Mãi sau tháng mới hiểu có thông báo về dress code mà mình không đọc. Đại loại đi họp thì phải ăn mặc trang trọng nhất là họp với khách hàng hay đối tác. Nội bộ với nhau có thể comple nhưng là comple kiểu thể thao, quần khác mầu với áo véc cũng ok, cravat hay không cũng ổn.

Vào cuối tuần (thứ 6) được diện quần bò áo cộc tay, đương nhiên không có chuyện quần lửng tới cơ quan. Mùa hè theo smart casual, mùa đông là formal – trang trọng, cứ thế mà theo.

Cũng tùy vị trí công việc. Thư ký giúp việc khác với trợ lý của phó chủ tịch, dân IT khác với chủ trì dự án. Mỗi người tìm ra cách ăn mặc sao cho hợp với công việc và sự kiện. Đến lúc quen với dress code thì tôi về hưu (2015) sau hơn một chục năm học cách mặc.

Mặc như bể khổ, không biết thế nào mà lần. Tuy nhiên, vào chùa chiền nhất định không mặc váy quá cộc, sexy hở đồ lót, không chơi quần đùi, áo may ô. Xem hát opera, ballet có khi phải diện o đuôi tôm do qui định của một số nhà hát. Nghe nhạc rock thì đừng mặc complet ngay cả smart casual.

Nhớ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thời lên làm thủ tướng. Việc đầu tiên ông cho phép mở sân tennis để chơi thể thao, vừa có sức khỏe, vừa có điều kiện kết nối làm ăn. Việc tiếp theo là cấm tuyệt đối mặc áo cộc tay, dép lê tới văn phòng. Qui định được gửi cho tới văn phòng các tỉnh.

Kể từ đó họp quốc hội, họp chính phủ mới thấy bóng dáng của sự chuyên nghiệp, người ngoài nhìn vào muốn hợp tác, dân nhìn quan thấy tin hơn, ít nhất trong cách ăn mặc.

Thay vì chế giễu qui định mặc quần bò, cộng đồng mạng nên xây dựng cho mình thói quen ăn mặc theo dress code cho khỏi lạc mốt.

Dress code gọi nôm na là những quy tắc về phong cách ăn mặc, cách phối hợp và sử dụng quần áo, giầy dép, theo từng địa điểm, sự kiện và hoàn cảnh.

Business formal dành cho dịp hội nghị, gặp gỡ đối tác, trang trọng và hình thức. Semi-formal thì không quá trang trọng như business formal, trong khi business casual thì nữ mặc đầm, váy, nam dùng quần ka-ki.

Còn dự tiệc phức tạp hơn nhiều như white tie, black tie, creative black tie. Nhưng tiệc dạ hội dành cho các ông các bà có nhiều tiền và đủ văn hóa thì họ hiểu hơn ai hết.

Hiểu được dress code sẽ không lạc nốt như anh chàng đi tìm vợ hay một tỷ phú của xứ mình chơi cái áo cá sấu cộc tay mầu đỏ giữa nơi trang trọng lại tưởng là hội nhập Made in Vietnam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại