Trong tuyên bố mới nhất của TSMC, doanh số bán hàng của công ty trong tháng 8 đạt 4,19 tỷ USD. Con số này tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 16% so với tháng 7. Doanh thu cộng dồn tới tháng 8 của TSMC đạt khoảng 29 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước đó, TSMC cho biết, họ không nhận bất kỳ đơn hàng nào từ Huawei kể từ tháng 5 tới nay và họ cũng sẽ không thể giao chip cho Huawei từ ngày 15/9 tới. Huawei chiếm tới 14% doanh thu hàng năm của TSMC. Đây là một phần nguyên nhân dẫn tới doanh số của TSMC sụt giảm 12,3% trong tháng 7.
Tuy nhiên doanh số của TSMC đã bắt đầu phục hồi trở lại vào tháng 8. Điều này phần nào cho thấy, lệnh trừng phạt của Mỹ và việc mất đi đối tác Huawei dường như không quá ảnh hưởng đến doanh số của TSMC như dự kiến.
Nhưng có một lý do khác là do Huawei đặt các hợp đồng sản xuất chip với TSMC thông qua công ty con HiSilicon.
Hơn nữa việc mất đi đối tác chính là Huawei không khiến TSMC gặp quá nhiều khó khăn vì TSMC có rất nhiều khách hàng. Do đó ngay cả khi mất đi Huawei, hãng sẽ tìm cách nhận các đơn hàng từ các đối tác khác để bù đắp lại doanh số bị mất.
Một số chuyên gia suy đoán rằng, các khách hàng của TSMC như Apple, Google, Qualcomm, Nvidia và AMD đã tăng đơn đặt hàng với TSMC để thiết lập mối quan hệ bền vững hơn với TSMC. Trên thực tế, TSMC đang mở rộng hoạt động kinh doanh của mình với các khách hàng lớn của Mỹ như AMD và Apple.
Đặc biệt khi thời điểm cuối năm luôn là lúc bận rộn nhất với các đơn hàng chip mới cho iPhone và mới nhất là dòng chip Apple Silicon dựa trên nhân ARM mới. Trong khi đó, AMD cũng đặt TSMC sản xuất chip xử lý Zen 3.
TSMC đang tích cực tìm kiếm các khách hàng mới thay thế Huawei khi lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/9.
Samsung dù muốn nhưng cũng rất khó vượt mặt được TSMC trong tương lai gần
Ở chiều ngược lại, một số hãng vẫn rất chú trọng tới mối quan hệ với Huawei, ví dụ như Qualcomm, Samsung hay MediaTek, dù áp lực của chính phủ Mỹ là rất lớn.
Mới đây Samsung và SK Hynix cũng tuyên bố sẽ tạm dừng cung cấp chip cho Huawei nhằm tuân thủ quy định của chính phủ Mỹ. Dù vậy Huawei hiện chỉ chiếm 6% doanh thu hàng năm của bộ phận sản xuất chip Samsung.
Gã khổng lồ Hàn Quốc hiện đang thúc đẩy kế hoạch "Tầm nhìn bán dẫn 2030" với mục tiêu trở thành hãng sản xuất bán dẫn số một vào năm 2030.
Gần đây Samsung cũng đã nhận được nhiều đơn hàng từ các khách hàng lớn như IBM, Qualcomm và Nvidia. Nhưng ngay cả khi có các đơn hàng, Samsung vẫn khó có thể theo kịp TSMC tại thời điểm này.
Công ty nghiên cứu thị trường TrendForce dự đoán, TSMC và Samsung sẽ lần lượt chiếm 53,9% và 17,4% thị phần trên thị trường đúc chip toàn cầu trong Q3/2020. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, khoảng cách sẽ tiếp tục được nới rộng từ 51,5% và 18,8% trong Q2 trước đó.
Khoảng cách ngày càng lớn về doanh số giữa hai công ty là lý do tại sao một số chuyên gia tin rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến TSMC. Nhưng còn để điều đó tạo cơ hội cho Samsung vượt mặt TSMC trong tương lai gần là điều không thể.
Tham khảo BusinessKorea