TS Vũ Thành Tự Anh hiện là Giám đốc trường chính sách công và quản lý Fulbright tại TP HCM, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ. Trong bài viết vừa đăng tải trên trang cá nhân, ông Vũ Thành Tự Anh gửi lời vĩnh biệt tới Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, vừa từ trần sáng 17/3 tại quê nhà Củ Chi, TP.HCM, hưởng thọ 85 tuổi.
Trong mắt TS Vũ Thành Tự Anh, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà lãnh đạo Nhà nước với phong cách kỹ trị, tận tụy và bình dị. Dưới đây là nguyên văn bài chia sẻ của ông Vũ Thành Tự Anh:
"Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người bình dị, thậm chí bình dân. Tuy bề ngoài không tỏ ra sắc sảo, phong thái không có vẻ hào hoa như các vị Thủ tướng trước và sau mình, nhưng ông thực sự là một Thủ tướng "kỹ trị" nhất, bền bỉ nhất trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Quan điểm của Thủ tướng Phan Văn Khải về phát triển kinh tế tư nhân, và song song với nó là quan điểm về vai trò của kinh tế nhà nước đã dần được định hình từ thời ông còn làm Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.
Cách đây tròn 4 năm, tôi được nghe ông kể : " […] Chú thì chú bác việc Kinh tế Nhà nước làm nền tảng từ lâu rồi, từ lúc nhận thức ra, từ lúc ở trong TPHCM. Kinh tế Nhà nước mà không có hiệu quả thì làm nền tảng cái gì, cứ kiểu đó mà nền tảng thì chết, làm sao dân giàu nước mạnh được.
Các ổng không căn cứ vào đó (dân giàu nước mạnh) mà cứ căn cứ vào những lập luận cũ, lý thuyết cũ, mô hình cũ, cứ cãi nhau hoài, đến giờ vẫn thế, sửa một số cái nhưng tới cái đó chưa ai dám sửa […]"
Chính nhờ sớm nhận thức về vai trò quyết định của kinh tế tư nhân nên từ hồi phụ trách Tổ biên tập Chiến lược 1991, ông và tổ biên tập đã nhất trí ghi vào dự thảo "Trên con đường đổi mới, nhân vật trung tâm để chấn hưng kinh tế đất nước là các nhà kinh doanh thuộc nhiều tầm cỡ, từ người chủ kinh tế hộ gia đình gắn với thị trường đến người đầu tư và quản lý các doanh nghiệp lớn".
Ông Vũ Thành Tự Anh.
Tiếc là trong quá trình xét duyệt để trình Đại hội Đảng, câu này đã bị sửa thành "Phát triển đội ngũ những nhà kinh doanh giỏi thuộc nhiều tầm cỡ ... " (xem bài Chiến lược 1991-2000 : Bước đột phá về quan điểm phát triển của Trần Đức Nguyên trong cuốn Nhớ lại và Suy nghĩ). Chính những nhận thức mới mẻ này về Kinh tế Tư nhân đã trở thành nền tảng của Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005 sau này.
Cũng chính dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, khu vực kinh tế tư nhân lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã trở thành "người đối thoại chính sách" với Chính phủ thay cho thân phận "đối tượng cải tạo" mới hơn một thập niên trước đó. Tinh thần đối thoại với doanh nghiệp do Thủ tướng Phan Văn Khải khởi xướng chỉ vài tháng sau khi ông nhậm chức đã không được người kế nhiệm tiếp tục và chỉ được khởi động lại từ tháng 4/2016.
Không chạy theo những công trình kỳ vĩ hay những mục tiêu đầy tham vọng, bằng sự bền bỉ và những quyết sách căn cơ, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng Chính phủ của ông đã xây dựng được một nền tảng kinh tế và vị thế quốc tế chắc chắn và lành mạnh, nếu không nói là chắc chắn và lành mạnh nhất trong lịch sử cận đại của Việt Nam.
Vĩnh biệt ông, một vị Thủ tướng kỹ trị, tận tụy và bình dị. Cầu chúc linh hồn ông an nghỉ ở cõi vĩnh hằng!".