Thấy gì từ việc lùi dự thảo Luật Đặc khu nhưng vẫn có những chính sách ưu tiên đặc biệt cho Phú Quốc?

N.M |

Ủng hộ những chính sách ưu tiên mới dành cho Phú Quốc và cho rằng đó là thử nghiệm đáng lưu ý về kinh tế của Chính phủ, TS. Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh) cho rằng "việc ưu tiên phát triển các "cực" kinh tế là cần thiết, nhưng không để địa phương nào thụt lùi lại phía sau".

Dự thảo Luật Đặc khu đã được Quốc hội tiếp tục lùi lại đến Khoá sau, để có thời gian chuẩn bị cho Đại hội Đảng. Có thể thấy rằng dù chưa thực sự có Đặc khu Kinh tế, nhưng Chính phủ đã ban hành những chính sách ưu tiên đặc biệt cho Phú Quốc: ví dụ như miễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài; cấp tạm trú 10 năm cho người nước ngoài đầu tư từ 100 tỷ vào Phú Quốc; xây dựng casino đầu tiên cho phép người Việt vào chơi... Đây là đơn vị hành chính đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay trên lãnh thổ Việt Nam có những chính sách này. Ông có nghĩ đây sẽ là cú hích cho Phú Quốc phát triển?

TS Võ Trí Thành: Tôi đánh giá đây là những đột phá chính sách rất đáng ghi nhận cho sự phát triển kinh tế của Phú Quốc nói riêng, cũng là phép thử cho những mô hình kinh tế mới của Việt Nam.

Nếu kết hợp tốt với những chính sách khác một cách nhất quán, đây sẽ là những bước đi tạo tiền đề cho Phú Quốc không chỉ cơ hội phát triển về du lịch mà còn phát triển, hình thành một đô thị mới.

Đề án xây dựng thành phố Phú Quốc cũng đã được UBND Tỉnh Kiên Giang trình lên Chính phủ tháng trước, cho thấy việc quyết tâm biến nơi này thành một vùng kinh tế mới, đô thị mới của Việt Nam với điểm nhấn là du lịch nghỉ dưỡng.

Tôi cho đây cũng là một trong những quyết định gắn với nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ sau những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra. Với chính sách mới này, có thể sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước được thu hút đến Phú Quốc. Hy vọng về một vùng kinh tế năng động trong tương lai là có cơ sở.

Có những kỳ vọng, Phú Quốc sẽ có thể trở thành Jeju, thành Hong Kong của Việt Nam, ông nghĩ sao?

TS Võ Trí Thành: Tôi không thích so sánh Phú Quốc với Jeju hay Hongkong. Phú Quốc có những nét tương đồng về địa lý tự nhiên với hai hòn đảo trên, nhưng cũng có những đặc điểm riêng và cơ hội riêng của mình.

Lợi thế của Phú Quốc so với hai hòn đảo này là những bãi biển dài được xếp vào danh sách những bãi biển đẹp trên thế giới và khí hậu nhiệt đới nên có thể dễ dàng thu hút khách du lịch đến quanh năm. Nhưng để những lợi thế đó trở thành hiện thực cụ thể thì hòn đảo này cần những chính sách đột phá, mà việc miễn thị thực cho khách du lịch hay cấp tạm trú 10 năm cho các nhà đầu tư chỉ nên được coi là một trong số ấy!

Theo ông, vì sao Phú Quốc lại được chọn là nơi có những chính sách ưu tiên đặc biệt của Việt Nam, trong khi có nhiều địa phương khác cũng đang phát triển du lịch nghỉ dưỡng rất tốt?

TS Võ Trí Thành: Phú Quốc có diện tích tự nhiên là 574km2, gần bằng diện tích của Singapore. Diện tích này đủ để xây dựng và phát triển đô thị; quỹ đất dồi dào cũng giúp cho việc quy hoạch và phát triển kinh tế dễ dàng hơn.

Lợi thế nữa là hòn đảo này có thiên nhiên ôn hoà bốn mùa và nguồn nước ngọt dồi dào. Bản thân việc là một hòn đảo cũng là một điều kiện tự nhiên tốt của Phú Quốc để Chính phủ có thể lựa chọn để có những thể nghiệm về quản trị thể chế mà vẫn đảm bảo về an ninh trật tự. Những thể nghiệm này không mới so với thế giới, nhưng là những bước đi mới của Việt Nam nên đặc biệt được coi trọng.

Việc có những chính sách ưu tiên cho từng vùng cụ thể liệu có tạo ra sự so bì giữa các địa phương?

TS Võ Trí Thành: Một đất nước phát triển thì cần có những cực, điểm phát triển dựa trên thế mạnh riêng của nó, nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển chung của tất cả các khu vực, và tôi không cho rằng hai điều này mâu thuẫn về mặt lợi ích. Trước đây đã có những ý tưởng về việc dành cơ chế đặc thù cho Hà Nội và Tp.HCM, nên chính sách dành cho Phú Quốc không phải là ưu ái hay thiên vị quá mức!

Những chính sách ưu tiên này nên dựa trên những đặc điểm riêng về địa lý và điều kiện tự nhiên của từng khu vực.

Tạo sự đột phá cho các vùng kinh tế là tốt, nhưng phải biến nó thành sự đột phá mang tính lan toả. Nghĩa là không chỉ khu vực đó, địa phương đó được hưởng lợi, mà còn kéo theo các địa phương khác phát triển theo, không để địa phương nào tụt lại phía sau. Bao nhiêu năm nay, Hà Nội và Tp.HCM đã phải gánh gánh nặng ngân sách cho cả nước. Những khu vực kinh tế trọng điểm mới sẽ là cách để giảm bớt đi những gánh nặng này!

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại