Tại tọa đàm "Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã có chia sẻ xoay quanh câu chuyện quản lý thị trường vàng.
Theo ông Nghĩa, thế giới coi vàng là một loại hàng hóa rất bình thường nhưng ở Việt Nam, vàng trở nên "ghê gớm". Bởi quan điểm đó khiến không ít thời điểm chúng ta hoảng loạn vì vàng.
Ông Nghĩa cho rằng, nỗi lo "vàng hoá" chỉ xảy ra khi vàng được gửi vào các ngân hàng thương mại, khi đó "tiền sẽ đẻ ra tiền". Vị chuyên gia này cũng đặt ra hàng loạt vấn đề khiến giá vàng bị đẩy lên quá cao như hiện nay như: liệu có phải do chênh lệch cung cầu hay không? Hay do các tác động khác khi vẫn còn chính sách độc quyền vàng miếng SJC, độc quyền xuất nhập khẩu vàng?
Về giải pháp hạ giá vàng, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh lại đề xuất cho nhập khẩu vàng vào Việt Nam. Theo ông Nghĩa, nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần, giá vàng trong nước sẽ giảm xuống và bằng giá vàng thế giới.
Bàn sâu hơn về vấn đề này, theo ông Nghĩa, không cần lo ngại về vấn đề tỷ giá hay "vàng hóa". Lý do, lâu nay không cho phép nhập khẩu vàng thì ngoại tệ vẫn "chảy" vào vàng qua đường nhập lậu. Chênh lệch giá vàng cao khuyến khích nhập lậu vàng.
Ở góc độ lo ngại cho nhập vàng thì lấy đâu ra USD để nhập, ông Nghĩa dẫn tính toán của Hội đồng Vàng thế giới cho biết: Nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm (chỉ khoảng 3 tỉ USD), chưa bằng 1/5 lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm. Và trước thời điểm năm 2020, việc nhập lậu vàng có xảy. Song, kể từ năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, con đường nhập lậu vàng trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, hàng loạt vụ việc nhập lậu vàng bị phát hiện, khiến nguồn cung từ bên ngoài vào Việt Nam không còn như trước.
Vị chuyên gia đưa ra vấn đề, việc không có nguồn cung phần nào đã tạo ra sự chênh lệch giá. Cạnh đó, trong bối cảnh các kênh đầu tư trở nên khó khăn hơn, lãi suất tiết kiệm thấp, việc đầu tư vàng là kênh mà người dân lựa chọn, đẩy nhu cầu tăng cao.
Thế nên theo ông Nghĩa, để vàng trở lại trạng thái "bình thường", không có gì quá ghê gớm để phải phản ứng chính sách như thời gian vừa qua.
Trước đó, ông Nghĩa cũng cho rằng, giải pháp đấu thầu vàng miếng như hiện nay không phải là biện pháp hữu hiệu để tăng nguồn cung và giải quyết bài toán chênh lệch về giá vàng trong và ngoài nước. Giải pháp tăng nguồn cung là cho phép doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng và Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế.