TS. Lê Đăng Doanh: Cần tạo động lực để nuôi dưỡng doanh nghiệp dân tộc

T.Công |

Doanh nghiệp nội đang tỏ ra lo lắng cho tương lai trong bối cảnh cách mạng công nghiệp đang phát triển nhanh chóng và cánh cửa hội nhập đã mở toang.

Doanh nghiệp Việt rất lo lắng về tương lai

Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy trong 3 quý của năm 2018, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng 2,8% và tăng 6,7% về vốn so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể thì không ngừng tăng mạnh, lần lượt là 48,1% và 32,1%.

Hiện tượng này khiến chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt vấn đề: Phải chăng môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự được cải thiện, đạt hiệu ứng tích cực cho dù việc thể hiện là rất mạnh mẽ.

Nhiều doanh nghiệp, khi chia sẻ thật với bà Lan, cho biết họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như thủ tục hành chính một cửa, để đến được cửa này cũng phải bôi trơn rất nhiều cửa ngách trước đó. Bằng không, doanh nghiệp nộp hồ sơ rồi cũng để đó.

Đây chỉ là một ví dụ trong hằng sa số vấn đề doanh nghiệp gặp phải. Chính bởi vậy, theo bà Lan, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vẫn tiêu tốn quá nhiều chi phí, thời gian, công sức. Những điều này đã tạo nên rủi ro lớn đối với doanh nghiệp nội địa.

"Thực sự doanh nghiệp họ rất lo lắng cho tương lai của mình, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0 và hội nhập", bà Lan nói và cho biết.

Bởi sự thay đổi là ngày một chóng vánh, các đối thủ cạnh tranh lại đi rất nhanh, doanh nghiệp Việt với những vướng bận từ hàng loạt rất khó lòng đứng vững.

Tạo động lực như thế nào để nuôi dưỡng doanh nghiệp dân tộc?

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM cũng đồng tình với việc doanh nghiệp Việt đang phải san sẻ nguồn lực cho những vấn đề vốn không nên tồn tại.

Ông nói: "Doanh nghiệp đang đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức cho các nhóm lợi ích, ô dù, quan hệ thân hữu mà ít có động lực đầu tư cho khoa học công nghệ".

Sự "đầu tư" này, ông cho rằng không giúp cho doanh nghiệp đứng vững được trong bối cảnh của cách mạng công nghệ. Viễn cảnh này sẽ khá rõ ràng ở một nước có nhiều ngành nghề thâm dụng lao động như Việt Nam, khi mà robot, tự động hoá sẽ thay thế dần con người.

Nhưng sự "đầu tư" lệch lạc này cũng xuất phát từ môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt. "Phải cải cách môi trường kinh doanh để có động lực, niềm tin lâu dài cho nhà đầu tư", ông Doanh nói.

Dẫn ra số tiền 3 tỷ USD mà người Việt mua bất động sản ở Mỹ, ông Doanh bình luận là "rất ghê gớm". Ông cho biết, tồn tại bên cạnh vấn đề bà Lan đưa ra về sự bấp bênh cho tương lai, còn là "một số cá nhân khi thành đạt ở mức độ nhất định đã tìm cách định cư ở nước ngoài".

Do vậy, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh cần phải tạo được động lực để nuôi dưỡng được doanh nghiệp dân tộc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại