TS kinh tế nói về việc Formosa khai vống thiệt hại để hưởng ưu đãi

Tuệ Minh |

Theo TS Phong, mức tiền phải bồi thường thiệt hại cho Formosa ở sự kiện năm 2014 được hai bên đưa ra "vênh" quá nhiều thì có thể mời chuyên gia nước ngoài đánh giá cho chính xác.

Liên quan đến việc Tổng cục Thuế có tờ trình gửi Bộ Tài chính và các cơ quan báo cáo kết quả và hỗ trợ thiệt hại cho doanh nghiệp trong sự kiện 13/5/2014 (xô xát của người dân, công nhân một số KCN sau việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam), thông tin về thiệt hại do Formosa Hà Tĩnh khai báo được quan tâm đặc biệt.

Cụ thể, trong khi Formosa Hà Tĩnh đòi đền bù cả với các thiệt hại trong tương lai (doanh nghiệp này khi đó đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng) 5.500 tỷ đồng thì cơ quan chức năng Việt Nam thống kê số thiệt hại chưa đầy 4,8 tỷ đồng.

Trước sự chênh lệch đến hơn ngàn lần như vậy, chia sẻ với chúng tôi, TS kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) nói: "Phải có căn cứ để đánh giá thiệt hại chứ không thể tin hoàn toàn từ phía Formosa".

Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, nếu cần thiết thì hai phía (Formosa và phía bồi thường) có thể mời chuyên gia quốc tế vào để đánh giá chính xác thiệt hại. Nếu chỉ là thông tin một chiều thì chưa thể chính xác hoàn toàn được.

Còn theo PGS, TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì "nếu phía Việt Nam tin tưởng mình đúng thì cứ áp đặt theo kết quả xác định được. Còn nếu có tranh chấp thì phải làm rõ".

Bên cạnh việc chênh lệch quá lớn trong việc xác định mức thiệt hại để bồi thường, việc Tổng cục Thuế đề xuất kết thúc biện pháp hỗ trợ đối với Formosa vào tháng 9/2016 bởi công ty này đã hoàn thành giai đoạn đầu tư cũng rất được dư luận quan tâm.

Theo Tổng cục Thuế, việc đề xuất này xuất phát từ việc trong văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ từ năm 2014 không nêu thời hạn kết thúc.

Về vấn đề này, TS kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: "Thực ra nếu đã kết thúc giai đoạn đầu tư thì theo nguyên tắc và cam kết, việc kết thúc các biện pháp hỗ trợ là đương nhiên. Việc chạy thử cho thấy đã kết thúc giai đoạn đầu tư".

Còn PGS, TS. Trần Đình Thiên lại cho rằng, không nên nêu vấn đề kết thúc hỗ trợ (do hoàn thành giai đoạn đầu tư) với vấn đề Formosa bị cơ quan thuế, hải quan phát hiện ra có nhiều sai phạm như một số báo đưa tin.

Vị Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: "Việc nào đi việc đó. Nếu doanh nghiệp sai thì phạt. Còn hết hạn ưu đãi thì thôi ưu đãi. Nếu có cam kết hoàn thành giai đoạn đầu tư mà không có hỗ trợ nữa thì cứ làm theo cam kết là không hỗ trợ nữa".

Cũng theo quan điểm của ông Thiên, hoàn thành giai đoạn đầu tư không phải là cái mốc để thay đổi quyết định tiếp tục hỗ trợ hay kết thúc hỗ trợ.

Trong trường hợp Chính phủ không nêu ra thời hạn kết thúc ưu đãi đối với doanh nghiệp thì việc quyết định có kết thúc ưu đãi hay không khi doanh nghiệp đã hoàn thành giai đoạn đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

"Lập trường cá nhân tôi xưa nay cơ bản là không nên hỗ trợ, các dự án FDI nên ưu đãi ít thôi, thậm chí không có ưu đãi thì mới bình đẳng, trừ những trường hợp rất đặc biệt. Nhưng Formosa thì không có gì đặc biệt", PGS, TS.Thiên nói.

Theo Tổng cục Thuế, xác định mức thiệt hại trong sự kiện năm 2014, Formosa tại 4 địa phương (Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai và TP HCM) thống kê là hơn 10.000 tỷ đồng trong đó có 5.500 tỷ đến từ Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, số liệu thống kê chính thức tại 4 tỉnh do bảo hiểm và các cơ quan chức năng Việt Nam thống kê chỉ khoảng 4.600 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại của Formosa Hà Tĩnh chưa đầy 4,8 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại