ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do OpenAI phát triển. Về cơ bản, Chat GPT là một công cụ chatbot AI có thể trả lời rất nhiều loại câu hỏi. Công cụ này đã thu hút được hàng triệu người dùng trên toàn thế giới vì đã đóng góp không nhỏ đến năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, từ đó phục vụ cuộc sống con người được tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ChatGPT cũng liên tục hứng chịu hàng loạt chỉ trích vì những lo ngại rằng chatbot này có thể giúp học sinh, sinh viên gian dối trong học tập.
Do vậy, đây cũng chính là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian gần đây. Bộ GD&ĐT và ngành giáo dục đã chủ động tìm hiểu và nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của ChatGPT đối với giáo dục, sẽ sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục.
Nhận thấy được những cơ hội cũng như tác động tiêu cực và tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục. Sáng ngày 23/2, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Giáo dục và hệ sinh thái AI - GPT: Cơ hội và thách thức” quy tụ nhiều chuyên gia công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo AI, các nhà sư phạm, các doanh nghiệp EdTech... với mục đích tập trung thảo luận cần phải làm gì để sẵn sàng thích ứng và chủ động thích ứng với ChatGPT và những hiện tượng tiềm năng tương đương trong giáo dục.
ChatGPT “phả hơi nóng" vào câu chuyện làm giáo dục ở Việt Nam
TS.Tôn Quang Cường, Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục nhận định những ngày qua, chúng ta đang chứng kiến sự hào hứng trong việc tiếp nhận, khai thác, sử dụng và truyền bá công cụ ChatGPT như một phát kiến rất lớn của con người. Đồng thời đây vừa là động lực để đầu tư công nghệ cho giáo dục, làm chủ công nghệ mới ra sao, vừa cần xác định thách thức của nó mang tính tích cực hay tiêu cực?
"Thời gian qua, ChatGPT đã “phả một hơi nóng" vào câu chuyện giáo dục làm cho chúng ta phải bình tĩnh nhìn nhận lại cách chúng ta làm giáo dục hiện nay", ông Cường đánh giá.
Trên thực tế, nhìn nhận ở đây theo chuyên gia là giúp chúng ta thay đổi, bình tĩnh để có một cái nhìn bao quát về cách triển khai, xem xét lại trong quá trình quản lý.
Nếu như trước kia bối cảnh dạy học là theo kiểu cung cấp câu trả lời, còn bây giờ phải làm cách nào để chuyển sang dạy người học cách đi tìm kiếm câu trả lời. Cách học mới này sẽ giúp người học có vai trò cầm quyền, từ đó tính tự học, tự quyết của học sinh càng ngày được nâng cao. Người học sẽ tự quyết định điều gì là có ý nghĩa để học tập. Phương pháp này tạo sự cá nhân hóa học tập cho học sinh.
TS.Tôn Quang Cường cũng chia sẻ từ chính câu chuyện mà bản thân ông từng gặp khi nhận ra thực trạng hiện nay có một số bộ phận thầy cô giáo lo lắng với sự ra đời của ChatGPT nên tham gia những lớp học hướng dẫn sử dụng công cụ với mục đích không cần thiết.
"Có rất nhiều 'hiện tượng' thú vị mà tôi thấy được như có khá nhiều đơn vị mời chuyên gia đến tập huấn với tiêu đề rất hay là "Tập huấn kỹ năng sử dụng ChatGPT", ở đây chúng ta không nên đặt như thế, vì ChatGPT dùng cực dễ, dùng rất tiện, không có gì phải tập huấn cả. Vấn đề sử dụng ChatGPT không phải là vấn đề chúng ta cần bàn mà vấn đề chính là chúng ta cần tích hợp, đưa công nghệ đó vào trong giáo dục như thế nào? Những buổi tập huấn đó thu hút đông đảo phần lớn giáo viên của chúng ta.
Ở đây tôi không cố ý chê bai hay phê phán gì cả, mà nội dung của buổi tập huấn đó là "Hướng dẫn cách sử dụng ChatGPT để lên kế hoạch một buổi sinh hoạt lớp" hay là "lập một bảng nội quy cho lớp học" hoặc "lập bảng đề bầu ra ban cán sự cho một lớp". Tôi nghĩ là nếu một người giáo viên sử dụng ChatGPT để lên những kế hoạch đó thì chúng ta cần phải xem lại năng lực của một người giáo viên.
Câu chuyện chúng ta nhìn nhận ra là cần thay đổi phương pháp giảng dạy và quản lý. Cụ thể nếu như trước đây chúng ta chỉ dạy theo hướng cung cấp câu trả lời, bây giờ làm thế nào để những người làm giáo dục có thể thay đổi theo hướng làm cách nào để giúp người học tìm kiếm các câu trả lời.
Mà một trong những nhiệm vụ để tìm kiếm câu trả lời là cần phải biết đặt câu hỏi. Như vậy hãy thay đổi cách dạy, khuyến khích, tạo động lực, giúp người học biết cách đọc câu hỏi, biết được những cái gì mà mình chưa biết. Đây quả là một thách thức, một góc nhìn có thể thay đổi được cách tiếp cận giáo dục, cách tiếp cận sư phạm", ông Cường nói thêm.
Theo Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục - Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, đây mới chỉ là điểm khởi đầu, những manh nha của hình thái, phương thức giáo dục mới. Mặc dù không phủ nhận phương thức "face to face" truyền thống trong giáo dục Việt Nam, nhưng chuyên gia kỳ vọng rằng ChatGPT sẽ là một xu hướng mới thêm một lần nữa cá nhân hóa trong bối cảnh dạy học để người học sẽ là một nhân vật trải nghiệm, từ đó tạo cảm xúc thay thế giảng dạy truyền thống.
"Rõ ràng không chỉ ChatGPT ra đời mà trước đó chúng ta đã được chứng kiến sự xâm nhập rất mạnh của công nghệ, nó hỗ trợ chúng ta có môi trường thực ảo, giúp ta có môi trường tương tác đặc biệt, giúp chúng ta có cảm xúc, một giá trị mới trong trải nghiệm đắm chìm, trong một kiểu dạy học đa phương thức, đa tính năng, đa công cụ, đa định dạng. Tất cả được hội tụ vào một thời điểm khiến cho người học tiếp nhận được luồng thông tin rất thú vị.
Đã có những manh nha của hình thái, phương thức giáo dục mới. Nó không phủ nhận phương thức 'face to face' của chúng ta, mà đây sẽ là một gợi ý để phương thức giáo dục 'face to face' của chúng ta tham khảo. Bởi nó có rất nhiều ưu điểm vượt trội, người học có thể di chuyển xuyên không, đắm chìm, trải nghiệm về cảm xúc rất mãnh liệt.
Khi đeo một chiếc kính VR vào và trải nghiệm một bối cảnh amenched availity (sẵn có), người học sẽ không còn là người thụ động tiếp nhận thông tin nữa mà là một nhân vật trải nghiệm, kể cả trải nghiệm sáng tạo", TS.Tôn Quang Cường chia sẻ.
Đồng quan điểm này, GS.TS. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho biết hiện nay trên nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng AI như một công cụ chuyên dụng thông minh nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống.
Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi số này cũng là một câu chuyện khách quan, bởi với xu thế của thời đại hiện nay, có thể một khoảng thời gian nữa cũng sẽ xuất hiện các công cụ tương tự như ChatGPT. Do đó phải thay đổi cách làm, cách tiếp thu kiến thức để nhà trường và gia đình nhận định được rằng AI cũng đang làm thay đổi cách truyền đạt kiến thức của người dạy và cách tiếp thu kiến thức của người học.
GS.TS. Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán
"Việc chuyển đổi số trong giáo dục là một chuyện khách quan, hôm nay có ChatGPT, nhưng sang tháng có thể là một công cụ khác, chứng tỏ công nghệ ngày càng tiến lên phát triển hơn so với sự chảy trôi của thời đại.
Nếu trước kia kiến thức chân-thiện-mỹ hầu hết đến từ nhà trường và tích lũy qua trải nghiệm cá nhân, thì ngày nay kiến thức vừa đến từ nhà trường, và một phần vừa đến từ mạng và công nghệ". GS. Hồ Tú Bảo nhận định.
Tận dụng sức mạnh và hạn chế của ChatGPT như "cơ hội" để phát triển thay vì né tránh
Theo TS. Tôn Quang Cường, giáo dục luôn hướng đến độ mở về kiến thức, sự sáng tạo và đa dạng trong cách học tập vì sự phát triển của cá nhân người học.
Hay nói cách khác, điều quan trọng đối với giáo dục không phải là có câu trả lời hay nội dung của nó, mà là cách mà người học tìm ra được câu trả lời thì các công nghệ dựa trên nền tảng AI lại tập trung phát triển các tính năng để giải quyết và tạo ra các "điểm cuối" (endpoint) của sự tìm kiếm, câu trả lời, phân loại, ra quyết định. Điều này đang đặt ra thách thức tìm kiếm điểm cân bằng mới cho các nhà công nghệ giáo dục khi triển khai các mô hình dạy học phi truyền thống.
Ông cũng cho biết thêm, nhóm nghiên cứu của Khoa Công nghệ Giáo dục đã phát hiện nhiều khoảng trống trong ChatGPT để có thể đi sâu và tiếp tục gia tăng khai thác và nghiên cứu.
"Nhóm chúng tôi mong muốn có thêm nhiều cơ hội và các mối liên kết với các doanh nghiệp Edtech trong việc tạo ra hệ sinh thái Open AI cho giáo dục để tạo ra các sản phẩm dịch vụ theo đúng mục tiêu, mục đích và đáp ứng yêu cầu của người dạy, người học. Khi sinh viên, học sinh đang ngày càng khao khát được học hỏi và hào hứng với những gì mới mẻ mà ChatGPT mang lại, thì giảng viên, giáo viên cũng cần nhanh chóng thích nghi và thành thạo với công cụ đó". TS. Tôn Quang Cường cho hay.
Dưới góc nhìn của chuyên gia EdTech ông Nguyễn Ngọc Quế - Tổng Giám đốc Edmicro khẳng định, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận những hạn chế của ChatGPT như là cơ hội để xây dựng, phát triển những mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mang tính thuần Việt.
Hiện nay, đã có nhiều người trẻ đã và đang đầu tư vào các môn hình LLM thuần Việt. Đối với câu chuyện học tập cá nhân hoá, ông Nguyễn Ngọc Quế cho rằng:
"Chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề cá nhân hoá, nhưng không thể cá nhân hoá hàng triệu học sinh trên cả nước, vì vậy máy tính vẫn là cơ hội để thực hiện giấc mơ này. Học tập thích ứng dựa trên AI là nơi thể hiện rõ vai trò cá nhân hoá của người học".
Ông Quế cho biết thêm bản thân đã thử nghiệm sử dụng ChatGPT để giải đề thi. Kết quả, chỉ với một câu lệnh ứng dụng đã cho ra đáp án chỉ sau một thời gian rất ngắn.
"Những năm trước để đưa ra gợi ý đáp áp đề thi, đội ngũ 5 người của chúng tôi thường mất khoảng 1 giờ đồng hồ để giải, đối sánh độc lập nhưng với chatbot này thì kết quả giải đề rất nhanh và rất chính xác. Đặc biệt những đề thi trắc nghiệm như tiếng Anh sẽ rất hiệu quả", ông Nguyễn Ngọc Quế nhận định.
Ông Nguyễn Ngọc Quế cũng chỉ ra một số hạn chế của ChatGPT như: Có thể tạo ra thông tin không chính xác; các hướng dẫn có hại hoặc nội dung sai lệch; có kiến thức hạn chế về thế giới và các sự kiện sau năm 2021; chưa thực sự hỗ trợ tốt tiếng Việt...
Dù có một số hạn chế nhưng ông Quế tin tưởng, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò rất lớn thực hiện giấc mơ cá nhân hóa trong giáo dục, một điều mà giáo dục truyền thống rất khó thực hiện được.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Trần Văn Công – Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục cho rằng trong giảng dạy hay nghiên cứu, con người cần phải hiểu bản chất của công cụ và nó cung cấp dịch vụ ra sao.
Theo ông, chúng ta nên suy nghĩ một cách tích cực, thay đổi này là khách quan và sẽ tốt cho xã hội nói chung vì năng suất rất cao. Các ngành khác cũng sẽ bị ảnh hưởng rất sớm vì các mô hình Trí tuệ nhân tạo sẽ sớm thâm nhập các ngành đó với sự mở đường của ChatGPT.
"ChatGPT cũng chỉ là một chatbot, nó không đại diện cho AI và AI cũng chỉ là một trong những lĩnh vực của công nghệ số. Vì vậy, có thể sử dụng nhiều ứng dụng chatbot khác nhau cho những mục đích khác nhau và tránh việc quá 'tin cậy hóa' hay đặt niềm tin tuyệt đối hóa các công cụ này". Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục nói.
PGS.TS. Trần Văn Công – Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục
Cũng tại toạ đàm, đại diện Khoa Quản trị chất lượng, Trường Đại học Giáo dục cũng chỉ ra công cụ này có vai trò quan trọng đối với việc tham vấn và trị liệu tâm lý, cụ thể ChatGPT có thể cung cấp tri thức cơ bản và ban đầu về tâm lý và các bệnh tâm thần, đưa ra lời khuyên cùng cách thức phòng ngừa và khắc phục các vấn đề của bản thân, lời khuyên hợp lý khi cần tìm các nhà tham vấn.
Cuối chương trình, lãnh đạo Khoa các khoa học giáo dục đã đề xuất 3 phương án sử dụng ChatGPT hiệu quả đó là:
- Sử dụng AI-GPT phổ biến đối với giảng viên trong một số hoạt động như tìm tài liệu tham khảo, khởi động cho bài viết khoa học.
- Thay đổi trong cách thức và định hướng giảng viên, nhấn mạnh phát triển tư duy phản viện của người học.
- Tận dụng sức mạnh AI-GPT thay vì "né tránh".