Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại sân bay Prestwick, Scotland (Vương quốc Anh). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo báo trên, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam. Do đó, ngoại giao vaccine là một trong những trọng tâm của chuyến thăm này. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ thăm Viện Pasteur và cơ sở nghiên cứu và phát triển của Sanofi tại Vitry-sur-Seine. Thủ tướng cũng sẽ gặp gỡ đại diện Liên đoàn Y tế Pháp - Việt được thành lập năm 2015, quy tụ khoảng 20 hiệp hội và chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nhân lực y tế, chuyển giao kinh nghiệm cũng như cấp thiết bị y tế cho Việt Nam.
Là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Việt Nam đã sử dụng sức mạnh mềm để nâng cao vai trò nòng cốt trong quan hệ giữa châu Á và châu Âu. Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng COVID-19, Việt Nam đã trao tặng hàng trăm nghìn chiếc khẩu trang cho Pháp khi Pháp còn chưa sẵn sàng đối mặt với đại dịch. Đáp lại, tháng 9 vừa qua, Paris đã hỗ trợ 672.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho Việt Nam. Do đó, sự hỗ trợ y tế đúng thời điểm này góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ song phương. Hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2023 - góp phần giúp Pháp khẳng định sự hiện diện kinh tế của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nhật báo La Tribune cũng nhận định hợp tác thương mại là một trong những động lực chính của quan hệ hai nước, theo đó Pháp là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ ba ở Việt Nam và cũng là nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn thứ ba cho Việt Nam. Hiện có khoảng 300 công ty Pháp đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, môi trường, công nghiệp, phân phối, dịch vụ và y tế. Trong thập kỷ qua, giá trị thương mại song phương đã tăng gấp 4 lần, đạt 7,2 tỷ Euro (khoảng 8,3 tỷ USD) vào năm 2019. Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là cơ hội để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Do khủng hoảng y tế, trao đổi thương mại giữa hai nước giảm xuống còn 6,3 tỷ Euro trong năm ngoái.
Báo trên cũng dự đoán có thể sẽ có một số hợp đồng lớn được ký kết tại Paris trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và công nghệ cao. Các thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cho một số tập đoàn lớn của Pháp như Airbus, Thales, EDF, Total hay Air Liquide vốn đã cam kết tham gia các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam cũng đang nỗ lực tiếp cận thị trường Pháp và châu Âu với các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản như gạo, cà phê và tôm.
Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam và Pháp đã có rất nhiều trao đổi trong các lĩnh vực quân sự, văn hóa và giáo dục. Các chuyến thăm của cựu Tổng thống Jacques Chirac vào năm 1997 nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tại Hà Nội, sau đó là của cựu Tổng thống François Hollande vào năm 2016 và cựu Thủ tướng Edouard Philippe vào năm 2019, là minh chứng cho mối quan hệ hòa bình và tốt đẹp này. Để làm được điều này, hai nước đã ký tắt phần lớn các văn bản pháp lý cần thiết cho việc đẩy mạnh hợp tác theo chiều sâu như hiệp định khung về hợp tác kinh tế, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định chống đánh thuế 2 lần… Hai bên cũng đã phối hợp và hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ.