Dây chuyền sản xuất công tơ điện tử. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Theo bài viết, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn do chi phí sản xuất thấp. Cùng với đó, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đang thúc đẩy xu hướng này. Trên thực tế, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và vị thế của đất nước trong thương mại toàn cầu, chuỗi cung ứng của Việt Nam đang liên tục phát triển và trở thành lựa chọn ưu tiên cho sản xuất trong khu vực.
Nền kinh tế Việt Nam có quy mô đứng thứ 40 thế giới và thứ 4 trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), Việt Nam đã vượt qua nhiều cường quốc và đứng trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu điện thoại di động.
Về điện tử, Việt Nam đứng thứ 9 thế giới về xuất khẩu và gia công phần mềm, đứng thứ 6 trong lĩnh vực trò chơi máy tính. Nhiều dữ liệu cho thấy ngành CNTT và truyền thông (ICT) của Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển.
Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Việt Nam đang có xu thế rõ rệt chuyển hướng sang phát triển xe điện. Dự đoán, đến năm 2030, mỗi năm người Việt Nam sẽ mua 1 triệu xe và số lượng xe điện sẽ còn tăng lên.
Theo thăm dò của công ty Frost & Sullivan, đến năm 2030, xe điện và xe hybrid (sử dụng cả xăng và điện) sẽ chiếm 30% tổng doanh số bán xe. Những thay đổi trong chuỗi sản xuất ô tô đã mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện xe điện toàn cầu.
Bài viết cho rằng ngày càng có nhiều công ty tìm cách đầu tư vào khu vực ASEAN hoặc các thị trường khác. Trong số các quốc gia có ưu thế cạnh tranh về đầu tư, Việt Nam nổi lên như một lựa chọn hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á.
Năm 2021, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt khoảng 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Tuy con số này thấp hơn so với mức hơn 38 tỷ USD năm 2019, nhưng đây vẫn có thể coi là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành công nghiệp điện tử - một ngành có vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam - đang không ngừng phát triển. Theo công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển do việc triển khai tiêm chủng vaccine toàn cầu và nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ. Sự kết hợp giữa sức mua, dân số và xu hướng hiện đại hóa nền kinh tế khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có triển vọng tốt trong khu vực.
Trước khi đại dịch bùng phát, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện thoại di động, ti vi, máy ảnh, thiết bị điện, cũng như lắp ráp vi mạch và vi mạch điện tử. Điều này cho thấy vai trò và vị trí vô cùng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Samsung Electronics sản xuất khoảng 180 triệu thiết bị điện tử mỗi năm, từ điện thoại di động đến ti vi và tủ lạnh và Việt Nam chiếm 60% tổng sản lượng thiết bị toàn cầu của công ty này. Tổng vốn đầu tư của Foxconn vào Việt Nam năm 2020 là 1,5 tỷ USD và đầu tư thêm 700 triệu USD vào năm 2021, sau khi tuyển thêm 10.000 lao động địa phương. Các công ty như Sharp, Nintendo, Komatsu và Lenovo đều đã công bố kế hoạch thâm nhập hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Qualcomm cũng đã thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội - trung tâm R&D đầu tiên của công ty này ở Đông Nam Á. Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) kỳ vọng sẽ có thêm nhiều công ty châu Âu, Mỹ và châu Á vào Việt Nam vào năm 2022.
Các chuyên gia dự đoán với sự thúc đẩy của RCEP, các khoản đầu tư của 3 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore dự kiến sẽ tăng lên.
Một phân tích của Viện kinh tế quốc tế Peterson cho thấy Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP. Từ nay đến trước năm 2030, mỗi năm thỏa thuận này sẽ bổ sung từ 2-4 tỷ USD cho nền kinh tế mỗi quốc gia. Theo FocusEconomics, Việt Nam sẽ là nước ASEAN được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP, có thể do ngành xuất khẩu với những ưu thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ hội nhập mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị khu vực.
Bài viết nhấn mạnh Việt Nam đã sử dụng các hiệp định thương mại tự do như một công cụ để đảm bảo sức mạnh kinh tế và an ninh tài chính, động thái giúp đảm bảo sự phát triển kinh tế của đất nước tiếp tục chuyển hướng từ xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thấp và sản phẩm cơ bản sang các sản phẩm công nghệ cao phức tạp hơn như điện tử, máy móc, phương tiện và thiết bị y tế. Ngay cả khi dịch bệnh bùng phát, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết sẽ giúp Việt Nam tăng cường số lượng và chất lượng hoạt động thương mại và đầu tư, đa dạng hóa đối tác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng đầu tư Jeffries, dù dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu phục hồi tốt hơn mong đợi, niềm tin của nhà đầu tư vào các ngành nghề và chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn lung lay. Lý do là số lượng dự án mới trong các ngành như điện tử, ô tô và hóa chất liên quan đến chuỗi giá trị toàn cầu có dấu hiệu giảm rõ rệt. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt, trong khi các giao dịch sáp nhập và mua lại (M&A) toàn cầu ngày càng giảm. Những yếu tố này được cho là sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2022.