Truyền thống "100 ngày đầu" làm tổng thống từ đâu ra?

Hoàng Phương |

Ông Donald Trump sẽ là Tổng thống Mỹ thứ 14 trải qua cột mốc kỷ niệm này kể từ khi truyền thống “100 ngày” được khởi xướng từ hơn 80 năm trước.

Ngày 29-4 đánh dấu cột mốc 100 ngày kể từ khi ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Tuy ông chủ Nhà Trắng có vẻ không mấy háo hức trước dịp kỷ niệm, mới đây ông còn lên Twitter phán nó là “vớ vẩn”, nhân viên của ông vẫn phải tất bật chuẩn bị cho báo cáo 100 ngày, bởi hơn 80 năm nay, nó đã được dùng làm cột mốc để xem lại những thành tựu và năng lực lãnh đạo của một tân tổng thống.

Truyền thống này được khởi xướng bởi Tổng thống Franklin D. Roosevelts vào năm 1933. Nhậm chức giữa thời kỳ Đại suy thoái, ông Roosevelts muốn lấy ngày thứ 100 kể từ khi Quốc hội đi vào hoạt động để đánh giá hiệu quả của bộ Chính sách kinh tế mới.

Từ đó, báo chí, sử gia và giới khoa học chính trị đã lấy ngày thứ 100 nhiệm kỳ để điểm lại những gì một tân tổng thống làm được, thường là so với chính các mục tiêu người này đã đề ra khi còn là ứng viên tranh cử.

Trong một trăm ngày đó, ông Roosevelts đệ trình và ký thông qua 76 dự luật – một con số kỷ lục, lập ra Đoàn Bảo trì Dân sự để tạo việc làm, Cơ quan Thung lũng Tennessee để cung cấp điện nông thôn và Đạo luật Khôi phục Công nghiệp Quốc gia để chấm dứt tình trạng cạnh tranh khốc liệt.

Chuỗi hành động này đã trở thành tiêu chuẩn mà các đời tổng thống sau Franklin Roosevelts không tránh khỏi bị đem ra so sánh, và họ thường không thể bì kịp.

Sau khi Franklin Roosevelts mất, tổng thống kế nhiệm Harry Truman dành 100 ngày đầu tập trung vào những trận chiến kết thúc Chiến tranh thế giới II, với việc Đức đầu hàng sau khi ông bước vào Nhà Trắng gần 1 tháng.

Truyền thống 100 ngày đầu làm tổng thống từ đâu ra? - Ảnh 1.

Truyền thống này được khởi xướng bởi Tổng thống Franklin D. Roosevelts vào năm 1933

John Kennedy nhậm chức với những dự định cực kỳ tham vọng, bao gồm thành lập Tổ chức Hòa Bình (Peace Corps), nhưng sự kiện Vịnh Con Lợn xâm lược Cuba là cái mà người ta thường nhớ tới về 100 ngày đầu này.

Chính quyền Tổng thống Ronald Reagan dành trọn mấy tháng đầu để đề ra chương trình thuế và cắt giảm chi phí, nhưng đến 4 tháng sau các dự luật này mới được thông qua. Vụ ám sát nổi tiếng nhằm vào ông cũng xảy ra trong giai đoạn này.

Trong 3 người tiền nhiệm của ông Trump, 100 ngày đầu của Bill Clinton được đánh dấu bởi thất bại trong việc vận động Nội các thông qua dự luật tăng chi tiêu nội địa và việc thông qua thành công Luật Nghỉ phép vì lý do gia đình hoặc y tế, khởi đầu cho cuộc cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe, do vợ ông, Hillary Clinton phụ trách.

Tổng thống kế nhiệm George W. Bush có vẻ muốn tránh gây tranh cãi, nên trong giai đoạn này, những đóng góp quan trọng về làm luật của ông chỉ bao gồm giảm thuế và cải cách giáo dục.

Truyền thống 100 ngày đầu làm tổng thống từ đâu ra? - Ảnh 2.

Tổng thống Bill Cinton tuyên thệ nhậm chức.

Do khủng hoảng kinh tế cuối nhiệm kỳ của ông Bush, 100 ngày đầu của Tổng thống Obama được dành ra để thông qua Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư, mà xét trên nhiều mặt, còn có quy mô lớn hơn những đạo luật được thông qua trong 100 ngày của Franklin Roosevelt, mà ông Obama từng tuyên bố đã học hỏi từ đó.

Về phần ông Donald Trump, việc Neil Gorsuch được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án tối cao có lẽ là thành công chính trị quan trọng nhất của tổng thống đương nhiệm. Việc cố gắng bãi bỏ và thay thế Đạo luật chăm sóc sức khỏe không nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội. Các sắc lệnh cấm người nhập cư chỉ dẫn đến biểu tình khắp nơi và bị các thẩm phán liên bang đình chỉ.

Ngoài ra, chính quyền Trump đã có những động thái quân sự đáng chú ý ở Syria, Iraq, Yemen và Afghanistan, kêu gọi đấu giá hợp đồng xây tường dọc biên giới Mexico. Chưa rõ nhiều năm sau, trong những việc kể trên, điều gì sẽ được người ta nhớ tới về 100 ngày đầu của tổng thống thứ 45.

Cho tới lúc này, dù báo giới có bình luận gì, Tổng thống Donald Trump vẫn tự tin khẳng định: “Bất kể tôi đã làm được bao nhiêu việc trong suốt 100 ngày đầu vớ vẩn này thì thế cũng là rất nhiều rồi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại