Truyền kỳ về cô gái vốn lo việc hậu cần nhưng Lê Lợi phong làm 'Thần y tướng quân'

Lê Thái Dũng |

Đóng góp vào chiến thắng lịch sử của nhân dân ta trước quân Minh xâm lược là không ít chiến công của các nữ tướng, trong đó có bà Đào Diệu Thanh.

Đóng góp vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo sau 10 năm chiến đấu gian khổ (1414 - 1428) dẫn đến sự ra đời của vương triều Hậu Lê có vai trò không nhỏ của những người phụ nữ.

Tuy chính sử gần như không đề cập tới nhưng dã sử và các nguồn thư tịch khác vẫn nhắc đến họ với niềm trân trọng, kính phục; trong số những nhân vật ấy có một phụ nữ được tôn gọi là "thần y".

Tư liệu về người phụ nữ đặc biệt này không nhiều, chỉ biết rằng bà tên thật là Đào Diệu Thanh, quê gốc ở xã Phù Lưu, huyện Đông Sơn, xứ Thanh Hoa (nay thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Cha mẹ bà dời quê hương tìm đến cư ngụ tại xã Mai Xá, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường (nay là xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) và sinh bà tại đây vào ngày mồng 2 tháng 6 (không rõ năm). Vì xuất thân từ gia đình vốn có nghề làm thuốc nên từ nhỏ Đào Diệu Thanh đã làm quen và được tiếp xúc với cây cỏ dược liệu và rất say mê tìm hiểu các bài thuốc…

Khi Đào Diệu Thanh đến tuổi trưởng thành cũng là lúc giặc Minh tràn sang xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, quân giặc thiết lập bộ máy thống trị nhưng khởi nghĩa của nhân dân ta nổ ra khắp nơi.

Truyền kỳ về cô gái vốn lo việc hậu cần nhưng Lê Lợi phong làm Thần y tướng quân - Ảnh 1.

Thiếu nữ, (Hình minh họa – Nguồn: Đại Việt cổ phong)

Trong số các lực lượng nổi lên chống quân Minh có lực lượng của con cháu họ Trần dấy cờ nghĩa xưng đế, sử sách gọi là nhà Hậu Trần gồm 2 đời vua là Trần Ngỗi (Giản Định Đế 1407 - 1409) và Trần Qúy Khoáng (Trùng Quang Đế 1409 - 1413).

Ngoài ra trước sau có đến hàng trăm cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhỏ nhưng đều bị giặc Minh đàn áp, chúng thực thi chính sách vô cùng tàn ác nhằm khủng bố tinh thần dân Việt, không tội ác nào là không làm, như sách Đại Việt sử ký tiền biên mô tả về việc làm của tên tướng giặc Trương Phụ như sau:

"Phụ đi đến nơi nào cũng làm nhiều việc giết hại, hoặc chất xác thành núi, hoặc lôi ruột quấn vào cây, hoặc cắt thịt lấy mỡ, hoặc dùng cực hình bào lạc làm trò đùa, thậm chí còn mổ bụng người có thai lấy hai cái đầu để làm hiệu lệnh".

Đánh giá ngắn gọn về tình cảnh dân chúng nước ta trong thời giặc Minh đô hộ, sách Việt giám thông khảo tổng luận viết rằng: "Nhà Nhuận Hồ đã bị bắt mà nhà Hậu Trần cũng mất theo, đất nước chia xé từng mảnh, nát hơn cuối buổi nhà Chu.

Quan lại chính lệnh bạo ngược, hình phạt tàn khốc, thảm hơn nhà Tần khi mất. Từ đấy người Minh thả sức bạo ngược, nhân dân lầm than, chưa có lúc nào như lúc này".

Truyền kỳ về cô gái vốn lo việc hậu cần nhưng Lê Lợi phong làm Thần y tướng quân - Ảnh 2.

Bình Định vương Lê Lợi giương cờ nghĩa Lam Sơn

Khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi lãnh đạo phát triển ngày càng lớn mạnh, dân chúng và hào kiệt khắp nơi hưởng ứng, cha và anh của Đào Diệu Thanh đã gia nhập nghĩa quân, còn bà dù là phận gái nhưng cũng hăng hái xin theo và lo việc hậu cần, chữa trị bệnh tật cho nghĩa binh.

Cha con bà đến đầu quân vào tháng 8 năm Bính Ngọ (1426) dưới quyền chỉ huy của tướng Đinh Lễ.

Tháng 3 năm Đinh Mùi (1427), quân Lam Sơn vây đánh giặc Minh ở thành Tam Giang (nay thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), do không hợp thủy thổ nên nghĩa binh bị bệnh sốt rét chết đến hơn 300 người.

Trước tình cảnh đó, thân phụ đã sai bà nghĩ cách tìm phương thuốc cứu chữa, bà đã chế ra thứ thuốc lá, nhờ đó cứu sống hơn 2000 nghĩa binh khỏi bệnh. Bình Định vương Lê Lợi nghe tin rất mừng bèn phong cho Đào Diệu Thanh là Thần y thân vệ tướng quân.

Tháng 4 năm Mậu Thân (1428), sau các trận đại bại ở Chi Lăng – Xương Giang, giặc Minh xâm lược buộc phải chấp nhận tham gia hội thề Đông Quan, rút hết quân lính về phương Bắc. Đất nước giành lại nền độc lập, Lê Lợi cho ban bố "Bình Ngô đại cáo", lên ngôi vua ngày 15 tháng 4 năm đó, sáng lập ra triều Hậu Lê và ban chức, phong thưởng cho những người có công lao.

Truyền kỳ về cô gái vốn lo việc hậu cần nhưng Lê Lợi phong làm Thần y tướng quân - Ảnh 3.

Những nữ kiệt dưới lá cờ đại nghĩa

Đất nước sạch bóng quân xâm lược, ước nguyện lớn lao của Đào Diệu Thanh đã thành sự thật, vì thế bà từ chối mọi sự phong thưởng mà chỉ xin trở về để chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ già. Bà còn soạn một tác phẩm về y dược rất nổi tiếng lấy tên là Điền gia tứ yếu, bộ sách này gồm 4 thiên là Dũng yếu, Trí yếu, Lương yếu, Dược yếu với 25 chương.

Về sau, qua những biến động của xã hội, tác phẩm này bị mất mát, thất tán và thất truyền mất 3 thiên, chỉ còn lại thiên Dược yếu được người đời sưu tầm trong dân gian chép lại với tên sách là Đào thị dụng dược yếu phương.

Bà Đào Diệu Thanh qua đời vào ngày 22 tháng Chạp (không rõ năm), chỉ biết rằng bà thọ 76 tuổi. Triều đình nhớ đến công trạng của bà đã ban chiếu phong là Thần dược Thánh mẫu và lệnh cho dân sở tại lập đền thờ phụng; theo lệ vào ngày giỗ kị của bà, trong số lễ vật dâng cúng không thể thiếu xôi gấc và thịt lợn đen.

Trong sách Thiên gia thi tuyển có chép một bài thơ của Tiến sĩ triều Hậu Lê là Vũ Hoán (1524 – 1607) ca ngợi bà như sau:

Cố vấn do lai nhất nữ nhân,

Như hà tiên đế hiệu Đào thần.

Phù Lưu cố quán tồn gia chỉ,

Mai Xá tân hương hữu miếu dân.

Ngô tặc mỗi văn tâm dục phá,

Nam phi chí khử khí như trần.

Hiếu trung nhất niệm quân thân thượng,

Vi thướng vi y thánh mẫu chân.

Nghĩa là:

Hỏi người sở tại, nữ nhân kia,

Để gọi Đào thần bởi cớ chi?

Cựu quán Phù Lưu còn đất ở,

Tân hương Mai Xá có dân thờ.

Giặc Ngô nghe thấy lòng run rẩy,

Bọn xấu phương Nam dạ nát nhừ.

Trung hiếu một niềm ngôi Thánh mẫu,

Tướng làm thầy thuốc mới uy nghi.

(Dương Văn Vượng dịch)

Sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Tiến sĩ triều Nguyễn là Khiếu Năng Tĩnh (1835 – 1920) ở phần ghi về phong tục lễ nghi có cho biết ở "xã Mai Xá, tổng Hữu Bị có tục thờ nữ tướng làm thuốc thời chống giặc Minh, sách thuốc tuy còn truyền nhưng người đời lại chuộng lễ thần xin đơn thuốc".

Cũng trong sách này, ở một phần khác, tác giả viết: "Xã Mai Xá, tổng Hữu Bị nơi thờ bà họ Đào, giữ chức Quân trung điều hộ thời Bình Định vương chống quân Minh. Dân địa phương nhờ cậy bà giúp tiền gạo, chữa bệnh tật. Lúc bà hóa, triều đình ban sắc phong là Thánh mẫu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại