ĐỘI BỊ LOẠI, HLV CHUẨN BỊ ĐI BUÔN VẢI THÌ BẤT NGỜ ĐƯỢC TRAO VÉ VỚT
Sau thành công ở thập niên 80, bóng đá Đan Mạch bắt đầu đi xuống kể từ Euro 88 khi nhiều trụ cột luống tuổi và giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế. Đến năm 1990, HLV Sepp Piontek, cha đẻ của thương hiệu "Dynamite Danish" (Thùng thuốc súng Đan Mạch) được thay thế bằng trợ lý Richard Moller Nielsen, dẫn theo một sự thay đổi lớn trong lối chơi của đội bóng này.
Việc đá đẹp nhưng thua ở Euro 84, World Cup 86 và trong tay không còn nhiều cầu thủ giỏi nữa khiến tân HLV Nielsen quyết định chuyển sang lối chơi phòng ngự tiêu cực, thay vì tấn công bay bổng như trước. Ông muốn các cầu thủ phải thực dụng hơn, thậm chí đá rắn khi cần thiết.
Điều này khiến ông không được lòng dư luận, thậm chí dẫn đến việc bất đồng trong chính nội bộ đội bóng. "Cầu thủ quốc dân" Michael Laurup bị loại khỏi đội vì bất đồng quan điểm, còn Jan Molby và Jan Heintze cũng bị gạch tên do vô kỷ luật.
HLV Richard Moller Nielsen.
Trước lượt trận cuối vòng loại Euro 92, Đan Mạch buộc phải thắng Bắc Ireland và chờ đợi Nam Tư cũ không thắng được Áo thì mới có vé tới vòng chung kết. Ngày 13/11/1991, đội quân của HLV Nielsen hoàn thành được điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ đã không xảy ra. Tại Vienna, chủ nhà Áo bại trận trước Nam Tư cũ với đội hình chủ yếu được tạo nên bởi những cầu thủ vô địch cúp C1 1991 cùng Sao Đỏ Belgrade.
Đan Mạch mất vé đi Euro và với một HLV không được lòng truyền thông như Nielsen, việc mất ghế sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Dù liên đoàn chưa ra trát sa thải nhưng vị HLV này cũng buộc phải tính kế "thoát thân".
Thế là ông quyết định sẽ đi… buôn vải. Khoảng chục ngày trước khi Euro 92 khởi tranh tại Thụy Điển, phòng bếp nhà Nielsen chất đầy vải vóc, sẵn sàng cho chuyến đi buôn đầu tiên để chuẩn bị tiền sửa nhà vào cuối năm. Ngờ đâu, tin vui bất ngờ ập đến với ĐT Đan Mạch.
Đầu tháng 6, HLV Nielsen chuẩn bị thành một dân buôn. Nào ngờ đến cuối tháng, ông lên ngôi vô địch Euro.
Bất ổn chính trị ở Nam Tư cũ khiến UEFA quyết định loại đội bóng này khỏi giải, và Đan Mạch được chỉ định là đội thay thế. Cuộc gọi từ liên đoàn khiến Nielsen tá hỏa. Mới tối hôm trước khi cầm quân ở trận giao hữu với SNG (đội tuyển đại diện cho Cộng đồng các quốc gia độc lập, chơi thay suất sau khi Liên xô tan rã), ông còn nghĩ đây sẽ là lần cuối mình dẫn dắt ĐT Đan Mạch.
Nhưng việc chỉ còn khoảng chục ngày để chuẩn bị khiến HLV Nielsen gặp khó. Các cầu thủ, giờ này họ đang ở đâu và làm thế nào để tập trung nhanh nhất đây?
MỘT ĐỘI TUYỂN "VƠ BÈO GẠT TÉP"
Thời gian quá gấp gáp khiến HLV Nielsen đành phải… chọn bừa. John Jensen và 4 người khác được gọi vì họ đang ở Đan Mạch, tiện cho việc di chuyển. Toàn bộ những người đá trận giao hữu với đội SNG hôm 3/6/1992 đều được lên đường sang Thụy Điển vì HLV cho rằng họ là những người có cảm giác chơi bóng gần nhất.
Trớ trêu nhất có lẽ là trường hợp của Brian Laudrup, em trai Michael Laudrup. Brian cả mùa bị chấn thương, chỉ đá 5 trận và mới hồi phục chấn thương được 1 tuần nhưng cũng được triệu tập. Mà lý do anh được gọi về cũng rất… buồn cười.
Tiền đạo Brian Laudrup (số 11) trong màu áo tuyển Đan Mạch.
HLV Nielsen chỉ có Povlsen và Larsen trên hàng công, bí quá không biết chọn ai nữa nên đành nhờ người của liên đoàn tìm thêm giúp. Khổ nỗi phía liên đoàn cũng chỉ biết mỗi Michael Laudrup, nhưng không thể triệu tập được vì cầu thủ này đã bị HLV Nielsen gạt tên từ lâu vì bất đồng. Thế là họ đành gọi cho… em trai nhà Laurup.
Một câu chuyện lạ lùng khác cũng diễn ra trong quá trình hội quân của Đan Mạch là việc tiền vệ phòng ngự Kim Vilfort xin rút lui vì con gái 7 tuổi của anh đang phải điều trị ung thư bạch cầu. Nhưng HLV Nielsen lúc này đã bí người quá rồi nên đành đưa ra một đề nghị. Trong suốt Euro 92, Kim Vilfort sẽ được phép đi lại giữa Thụy Điển và Đan Mạch để vừa đá bóng vừa thăm con. Tiện cả đôi đường.
Và thế là hành trình tham dự Euro 92 của Đan Mạch bắt đầu.
VƯỢT QUA VÒNG BẢNG NHỜ CHƠI GOLF VÀ CÚ LỪA TỪ BÁO CHÍ
Euro 92 có 8 đội tham dự, chia thành 2 bảng. Đan Mạch nằm ở bảng A cùng Anh, Pháp và chủ nhà Thụy Điển. Không cần phải nói quá nhiều cũng có thể thấy khó có cửa cho Đan Mạch giành được 1 trong 2 vị trí đầu bảng để vào bán kết.
ĐT Pháp dưới sự dẫn dắt của huyền thoại Michel Platin là ứng cử viên lớn nhất cho danh hiệu vô địch. Họ toàn thắng cả 8 trận ở vòng loại và có trong tay cặp tiền đạo nổi danh Jean Pierre Papin cùng Eric Cantona. Trong khi đó, Anh cũng bất bại ở vòng loại và có những hảo thủ như David Platt, vua phá lưới World Cup 86 Gary Linerker, hay ngôi sao trẻ Alain Shearer.
Thế nhưng ngay ở trận ra quân, Đan Mạch đã gây bất ngờ khi cầm hòa được Anh với tỉ số 0-0. Số là HLV Graham Taylor của ĐT Anh vẫn được biết đến như người thường hay đọc báo và dựa trên gợi ý chiến thuật của truyền thông để sắp xếp đội hình. Thế là HLV Nielsen quyết định chơi chiêu.
Ông cho lắp camera khắp sân tập của Đan Mạch, mở cửa cho phóng viên và ngày nào cũng tổ chức họp báo. Và chiêu trò của Nielsen đã phát huy tác dụng. Ông vờ tung tin rằng Đan Mạch sẽ chơi đôi công sòng phẳng với người Anh, nhưng cuối cùng lại đá phòng ngự. Cộng với việc có tới 5 trụ cột bị chấn thương, HLV Graham Taylor đành bất lực chịu cảnh chia điểm.
Đan Mạch khiến khán giả đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác tại Euro 92.
Việc Pháp và Thụy Điển cũng hòa nhau ở lượt đầu khiến cục diện bảng A trở nên gay cấn. Tuy nhiên ở lượt trận thứ hai, Đan Mạch rơi vào thế khó khi bị Thụy Điển với lợi thế sân nhà đánh bại với tỉ số 1-0.
Buộc phải thắng Pháp mới có vé đi tiếp nhưng toàn đội Đan Mạch dường như không mấy tin rằng mình làm được điều này. Bất ngờ một thành viên trong ban huấn luyện rủ ông Nielsen đi đánh golf. Một ý tưởng lóe lên trong đầu vị HLV này và thế là ông quay ra rủ luôn các học trò đi cùng.
Không còn là một ông thầy khó tính trên sân tập, HLV Nielsen trở gần gũi, thân thiện, động viên các cầu thủ rằng "hãy thư giãn đi, chúng ta đã hòa Anh thì Pháp có gì mà phải e ngại". Và không ngờ biện pháp tâm lý này có hiệu quả thật. Ngày hôm sau, Đan Mạch hạ Pháp 2-1, giành vé vào bán kết với ngôi nhì bảng vì Anh đã để thua Thụy Điển.
Chương đầu tiên của câu chuyện cổ tích đã được viết nên.
Thủ môn Peter Schmeichel góp công không nhỏ trong chiến tích của Đan Mạch.
ĐÁNH BẠI ĐƯƠNG KIM VÔ ĐỊCH EURO VÀ WORLD CUP NHỜ HAMBURGER VÀ BẠN GÁI
Trước trận bán kết với Đan Mạch, báo chí Hà Lan tỏ ra tự tin vào một chiến thắng cho đội nhà. Cũng phải thôi bởi "Cơn lốc màu da cam" khi đó đang là đương kim vô địch Euro, thậm chí ở vòng bảng họ còn đánh bại đương kim vô địch World Cup Đức đến 3-1. Ai cũng nghĩ bộ ba Van Basten - Gullit – Rijkaard sẽ chẳng mấy khó khăn để vào chung kết.
Hoàn cảnh đó đẩy Đan Mạch rơi vào trạng thái bị áp lực và HLV Nielsen quyết định đưa đội ra ngoại ô Stockholm chơi cho thư giãn đầu óc. Đang đi, bất chơi Larsen thấy một quán đồ ăn nhanh. Cơn thèm hamburger và khoai tây chiên nổi lên khiến anh rụt rè hỏi HLV liệu mình có thể tới đó "ăn một chút" được không.
Không ngờ Nielsen sau chuỗi ngày yêu cầu các cầu thủ tuân thủ chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt lại bất ngờ dễ tính. Thế là cả đội ùa xuống xe lao tới quán và ăn lấy ăn để. Không rõ những đồ ăn nhanh như hamburger và khoai tây chiên ở bữa tối trước trận có tác dụng ra sao, chỉ biết đến khi vào trận, Đan Mạch chạy không biết mệt, khiến Hà Lan phải bám đuổi bở hơi tai và đến phút 86 Frank Rijkaard mới có được bàn gỡ hòa 2-2.
Nhưng rồi ở loạt đá 11m, cú sút của Van Basten lại bị thủ môn Peter Schmeichel chặn đứng. 10 quả đá của 2 đội thì chỉ có 1 quả hỏng duy nhất, và thế là Đan Mạch vào chung kết.
Chức vô địch chỉ còn cách 1 trận đấu nữa và cả đất nước Đan Mạch háo hức chờ đợi một cái kết trọn vẹn. Vì hai quốc gia ở gần nhau nên CĐV từ quê nhà kéo sang Thụy Điển rất đông. Điều này vô tình khiến cho vợ và bạn gái của các cầu thủ không có chỗ qua đêm bởi các khách sạn đều đã cháy phòng.
Chẳng HLV nào muốn cầu thủ của mình ở gần vợ và bạn gái trước một trận đấu quan trọng như vậy, nhưng rồi Nielsen chợt nghĩ biết đâu đây sẽ là liệu pháp giúp các học trò có được sự hưng phấn tốt nhất. Thế là ông tặc lưỡi, cho phép cầu thủ đón người nhà vào ở cùng và không quên dặn dò tất cả "nhớ giữ mình". Không biết các học trò có nghe lời ông Nielsen không, nhưng Đan Mạch lại một lần nữa đá như lên đồng.
Bước vào chung kết, Đức tràn lên với hừng hực khí thế. Đoàn quân của HLV Berti Vogts tràn đầy tự tin và sẵn sàng hạ đo ván đối thủ. Riedle, Stefan Reuter và Guido Buchwald liên tục bắn phá khung thành của Peter Schmeichel, nhưng rồi bất ngờ lại một lần nữa xảy ra.
Phút 18, John Jensen nhanh chân tung cú sút sấm sét từ sát vòng 16m50, không cho thủ thành Bodo Illgner cơ hội cản phá. Người Đức tiếp tục dồn ép nhưng dường như định mệnh đã đứng về phía Đan Mạch. Và đến khi Vilfort ghi bàn nâng tỉ số lên 2-0 ở phút 78, tất đều hiểu rằng một câu chuyện cổ tích với cái kết trọn vẹn đã được viết nên.
Đan Mạch lên ngôi vô địch Euro 92, dù cho ban đầu họ còn không vượt qua được vòng loại. Cả đất nước Đan Mạch đổ ra đường ăn mừng đội nhà vô địch châu Âu, điều mà có lẽ đến tận bây giờ họ vẫn không tin là sẽ trở thành hiện thực.