Niềm tự hào của ngôi trường làng
Sáng nay 14.7, Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2019 của 63 tỉnh, thành phố. Theo đó, thủ khoa khối D1 toàn quốc là em Nguyễn Thị Trà My, học sinh lớp 12A1, trường THPT Hồng Thái, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Trà My đạt 28,4 điểm (Toán 9,4; Ngữ văn 9, Tiếng Anh 10).
Em Trà My- thủ khoa khối D1 của kì thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: H.A
Chia sẻ về cô học trò của mình, thầy Phạm Huy Thiệp- Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Thái nở nụ cười rạng rỡ đầy tự hào: "Khi nhận được thông tin em Trà My trở thành thủ khoa khối D1, tôi cũng như các giáo viên trong trường rất vui mừng.
My không chỉ là một học sinh hiền lành chăm chỉ, mà em còn là một người con ngoan ngoãn trong gia đình. Sống trong gia đình thuần nông, nên ngoài việc học, em còn giúp đỡ bố mẹ rất nhiều.”
Theo thầy Thiệp, THPT Hồng Thái là một trường học nông thôn, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn nhiều. Nhưng với mong muốn các học sinh được thành tài, thầy cô trong trường vẫn luôn cố gắng tạo động lực cho học sinh, thương yêu và coi học sinh là tài sản lớn nhất.
Điểm đầu vào thấp nhưng điểm đầu ra “nổi bật”
Bên cạnh niềm tự hào, người thầy với mái tóc hoa râm vẫn trăn trở: “Trường Hồng Thái không nằm ở vị trí trung tâm khu dân cư nên số lượng học sinh còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, điểm đầu vào của trường cũng khá thấp so với mặt bằng chung.”
Năm 2019, trường THPT Hồng Thái công bố điểm chuẩn vào lớp 10 là 38,5- thấp hơn một ngôi trường cùng huyện tới 6 điểm ( THPT Đan Phượng: 44,5) và thấp hơn ngôi trường có điểm chuẩn vao nhất Hà Nội tới 17 điểm (THPT Chu Văn An: 55,5).
Thầy Phạm Huy Thiệp- Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Thái. Ảnh: H.A
Thế nhưng, ngôi trường với truyền thống lịch sử 23 năm vẫn luôn được gọi với cái tên “lò” đào tạo thủ khoa. Bởi không chỉ riêng năm 2019, mà trước đó, ngôi trường từng là “ngôi nhà thứ 2” của rất nhiều thủ khoa.
Năm 2004, một học sinh của trường đạt số điểm tuyệt đối 30/30 và giành thủ khoa Học viện Quân Y, tiếp những năm sau đó, trường có nhiều học sinh là thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Sư phạm,..
Là một người thầy- người chèo lái “con thuyền tri thức”, thầy Thiệp luôn truyền cảm hứng và định hướng cho các em. “Tài sản lớn nhất của người làm nghề giáo là sau này được thấy học trò của mình thành đạt và trở về xây dựng quê hương”, thầy Thiện bộc bạch.