Ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam (Ảnh Như Ý)
“Công tác nhân sự rất chặt chẽ, bài bản”
Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Công tác chuẩn bị nhân sự cho khóa XIII được Ban Chấp hành (BCH) Trung ương (T.Ư) khóa XII chuẩn bị nghiêm túc. Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đã xác định công tác này là rất quan trọng, nhiệm vụ then chốt.
Vì vậy nhiệm kỳ qua BCH T.Ư luôn quan tâm đến công tác cán bộ. Hội nghị T.Ư 8 vào tháng 10/2018, T.Ư đã thành lập các tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Nhân sự.
Ngay sau đó, BCH T.Ư tiến hành các quy trình công tác nhân sự. Hội nghị T.Ư 9 vào tháng 12/2018 đã tiến hành công tác quy hoạch nhân sự BCH T.Ư khóa XIII.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội tại Đại hội XIII (Ảnh Như Ý)
Ngay sau khi công tác quy hoạch tiếp tục chuẩn bị, đến Hội nghị T.Ư 12, BCH T.Ư thảo luận, ban hành phương hướng công tác nhân sự của Đại hội XIII, bám sát phương hướng tác nhân sự với sự tham gia của các địa phương, BCH T.Ư tiến hành quy hoạch BCH T.Ư khóa XIII.
Đây là cơ sở rất quan trọng để lựa chọn, giới thiệu, bồi dưỡng các nhân sự dự kiến sẽ đưa vào BCH T.Ư khóa XIII. Sau khi có phương hướng BCH T.Ư khóa XIII, T.Ư đã thảo luận rất nhiều lần, từng bước, hết sức thận trọng, chặt chẽ đúng quy trình trong các Hội nghị T.Ư 13, 14, 15.
Có thể nói công tác chuẩn bị nhân sự khóa XIII được làm chặt chẽ, kỹ lưỡng và đảm bảo quy trình. Các nhân sự được giới thiệu ra Đại hội XIII cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, đủ điều kiện, có năng lực, uy tín.
Đối với các trường hợp “đặc biệt” được giới thiệu vào BCH T.Ư, Bộ Chính trị khóa XIII được thực hiện như thế nào?
Với các trường hợp "đặc biệt", nhiệm kỳ Đại hội nào cũng có. Công tác nhân sự được kế thừa kinh nghiệm của các Đại hội trước và căn cứ vào tình hình thực tiễn. Những trường hợp "đặc biệt" được BCH T.Ư bàn hết sức kỹ lưỡng.
Các nhân sự có trong danh sách trường hợp "đặc biệt" chủ yếu đặc biệt về độ tuổi, còn đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có sức khỏe, năng lực công tác, có uy tín từ cương vị công tác của mình.
Với yêu cầu thực tế của đất nước cần có những đồng chí tiếp tục tham gia bằng những kinh nghiệm và uy tín của mình nên BCH T.Ư đã thống nhất lựa chọn giới thiệu ra Đại hội. Nếu được Đại hội tín nhiệm bầu thì sẽ có những đồng chí có nhiều kinh nghiệm cống hiến cho đất nước.
Quy trình 2 vòng, 8 bước đối với nhân sự thuộc trường hợp "đặc biệt"
Các đại biểu dự Hội nghị Đại hội XIII (ảnh Như Ý)
Công tác nhân sự được thực hiện theo quy trình 5 bước, vậy đối với trường hợp "đặc biệt" là Uỷ viện Bộ Chính trị tái cử có gì khác biệt không, thưa ông?
Các Uỷ viên Bộ Chính trị thuộc trường hợp "đặc biệt" được giới thiệu tái cử được thực hiện chặt chẽ, theo quy trình 2 vòng, 8 bước.
Theo đó, vòng 1 là vòng giới thiệu, lấy phiếu giới thiệu các Uỷ viên T.Ư Đảng xem có đặc biệt không, số lượng đặc biệt là bao nhiêu, số lượng đặc biệt vào vị trí nào?
Tiếp đó, Tiểu ban nhân sự sẽ tổng hợp ý kiến của các Uỷ viên T.Ư và báo cáo Bộ Chính trị.
Trên cơ sở ý kiến của Trung ương, Bộ Chính trị sẽ họp và bỏ phiếu tập thể. Cụ thể bỏ phiếu theo hướng, có phương án thuộc trường hợp đặc biệt không, số lượng là bao nhiêu. Kế tiếp mới xem xét đến nhân sự cụ thể.
Sau đó, Bộ Chính trị báo cáo Trung ương về nhân sự cụ thể thuộc trường hợp "đặc biệt", số lượng thuộc trường hợp "đặc biệt", vị trí của nhân sự thuộc trường hợp "đặc biệt".
Trên cơ sở đó, Trung ương sẽ tiến hành bỏ phiếu. Nếu được trên 50% số phiếu đồng tình thì phương án nhân sự thuộc trường hợp "đặc biệt" đó sẽ được lựa chọn. Như vậy quy trình là rất chặt chẽ và rộng.