Những ngày gần đây thông tin liên quan đến những lãnh đạo của ĐH Kinh Bắc sử dụng bằng giả được nhiều người quan tâm. Hồi tháng 2/2024 ông Đoàn Xuân Tiếp, chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh Bắc đã bị kết luận "sử dụng bằng đại học không hợp pháp để làm hồ sơ và học thạc sĩ ở nước ngoài".
Thậm chí, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Bắc Ninh cho biết qua quá trình xác minh, ông Đoàn Xuân Tiếp mới chỉ học hết lớp 6, sang đầu năm học lớp 7 thì nghỉ cho nên ông Tiếp không có bằng THCS. Sau đó, ông Tiếp đi bộ đội và có quá trình công tác sau này. Hiện tại, ông Tiếp đã đi học Thạc sĩ tại Philippines và học tiếp lên Tiến sĩ.
Mới đây, Tiền Phong tiếp tục thông tin Công an TP Hà Nội đã chuyển hồ sơ, tài liệu đến Công an tỉnh Bắc Ninh để điều tra, xử lý theo thẩm quyền vụ việc bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh Bắc sử dụng bằng giả của Học viện Tài chính.
Theo đó, ĐH Kinh Bắc được thành lập theo Quyết định số 350- QĐ/TTg ngày 26/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trường đại học tư thục tọa lạc tại phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh với khuôn viên lên đến 28,1ha.
Khu giảng đường gồm 2 toà nhà rộng đến 9.000m2 phục vụ giảng dạy cho 8.000-10.000 sinh viên. Với chủ trương, học đi đôi với hành, ĐH Kinh Bắc có trang bị các phòng thực hành như phòng thực hành pha chế, buồng, lễ tân, phòng thực hành khoa luật…
Theo thông tin trên trang web chính thức của ĐH Kinh Bắc, trường có nhà thuốc thực hành, Phòng khám Đa khoa Đại học Kinh Bắc, vừa là nơi sinh viên hoạt động thực tập nghề, vừa phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Ngoài ra trường cũng có khu ký túc xá là toà nhà 8 tầng nằm khu nhà ở sinh viên tỉnh Bắc Ninh với sức chứa lên đến 1.500 sinh viên.
Về công tác đào tạo, hiện trường cung cấp 18 ngành học bậc đại học và 2 ngành hệ sau đại học. Trong kỳ thi tuyển sinh năm 2023, điểm trúng tuyển vào trường xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động từ 15 đến 22,5 điểm. Như vậy, chỉ cần đạt ít nhất 5 điểm/môn, bạn đã có thể theo học tại đây.
Cụ thể, các ngành như quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ngôn ngữ Anh, luật kinh tế, luật, quản lý nhà nước, Công nghệ kỹ thuật - viễn thông, quản lý xây dựng, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất có điểm chuẩn là 15. Các ngành như dược học, y học cổ truyền lấy điểm chuẩn là 21. Y khoa là ngành có điểm chuẩn cao nhất 22,5 điểm.
Còn về học phí, trường chia làm 4 mức. Với ngành Dược học, sinh viên phải nộp 27,4 triệu đồng/năm học. Ngành Y học cổ truyền có mức học phí là 36 triệu đồng/năm. Y khoa là ngành có mức học phí cao nhất, 60 triệu đồng/năm. Với các ngành học khác, học phí là 15 triệu đồng/năm.