Kể từ World Cup 1998, số đội tham dự tăng lên 32. Số trận nhiều hơn, số quả penalty cũng nhiều lên. Tính đến trước World Cup 2018, kỷ lục về số lần trọng tài thổi penalty trong một kỳ World Cup là 18.
Nhưng trên đất Nga, với sự xuất hiện của VAR, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã chứng kiến tới 29 quả phạt đền. Trong đó 22 lần các cầu thủ tận dụng thành công, 7 lần hỏng ăn.
World Cup 2018 chứng kiến sự "lạm phát" penalty.
Ngoài penalty, VAR còn can thiệp trong những tình huống tranh cãi về bàn thắng, thẻ đỏ trực tiếp hay khi mà trọng tài chính có nhận định chưa chính xác.
Nói cách khác, rất nhiều hành vi của cầu thủ đã từng qua mặt được nhiều trọng tài trong quá khứ sẽ bị đưa ra ánh sáng dưới hàng loạt camera được lặp đặt quanh SVĐ. Mà trong số ấy, các tình huống va chạm trong vòng cấm địa dẫn đến tranh cãi có penalty hay không chiếm phần không nhỏ.
ĐT Nhật Bản đã quen với VAR tại World Cup 2018. Một số cầu thủ đang khoác áo những CLB tại châu Âu cũng không còn lạ gì với VAR. Trong các trận đấu, họ sẽ hạn chế được những động tác có thể bị thổi phạt và tận dụng cơ hội khiến đối thủ mắc "mắc bẫy".
Ở chiều ngược lại, các cầu thủ Việt Nam mới được tiếp xúc với VAR trên lý thuyết và qua những trận đấu trên truyền hình. Trước một đối thủ kinh nghiệm hơn, đoàn quân áo đỏ rất có khả năng phải chịu nhiều những pha thổi phạt hơn bình thường.
ĐT Việt Nam cần cẩn thận với VAR.
Một quả penalty có thể định đoạt trận đấu. Hoặc thậm chí một quả đá phạt sát vòng cấm thôi cũng đủ tạo nên đột biến, như Iraq và Jordan từng làm được trước thủ môn Đặng Văn Lâm.
Thi đấu một trận có VAR, với người hâm mộ mà nói thực sự thú vị, tạo ra cảm giác như ở World Cup. Nhưng với ĐT Việt Nam là một thách thức lớn, cần sự tỉnh táo, cẩn thận hơn nhiều nơi các cầu thủ.
Vòng 1/8 Asian Cup 2019: Jordan 1-1 Việt Nam (luân lưu 2-4) (nguồn: AFC)