1. Ngót 23 năm trước, dưới cơn mưa nặng hạt một tối tháng Năm năm 1994, trên Wembley huyền thoại, Chelsea đã phải lê bước rời sân trong sự hổ thẹn sau trận thua tan nát đến 0-4, ngậm ngùi nhìn Man United đăng quang FA Cup với cả thế giới trong tay, còn mình chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng.
Ngày ấy, tương tự như Chelsea hiện tại, Man United cán đích mùa giải Premier League thứ hai với 8 điểm cách biệt so với đội xếp thứ nhì Blackburn Rover, hoàn tất cú đúp vô địch quốc gia Anh và FA Cup đầu tiên trong lịch sử CLB, còn Chelsea - kẻ bại trận, xếp tận thứ 14 Premier League.
Dưới sự chứng kiến của 79.634 khán giả, Chelsea mới là đội bóng chơi hay hơn trong suốt hiệp thi đấu đầu tiên. Thậm chí Gavin Peacock suýt mở được tỷ số cho Chelsea khi cú demi-volley của tiền vệ mang áo số 10 này chạm đúng xà ngang bật ra, thay vì tung lưới thủ thành huyền thoại Peter Schmeichel.
Nhưng những lỗi lầm đã cuốn trôi mọi nỗ lực của đội bóng thành London theo cơn mưa nặng hạt trên Wembley. Ba bàn thắng chỉ trong vòng 9 phút của Quỷ đỏ thành Manchester đã hạ gục không thương tiếc ý chí phản kháng của đối phương. Đáng chú ý, 2 bàn đầu tiên của trận đấu đều đến từ những quả penalty.
Thậm chí, ở bàn thắng ấn định tỷ số vào phút 90+2, Paul Ince còn thong thả "nhường" bàn thắng cho McClair, thay vì tự mình ghi bàn.
Chung kết FA Cup 1994: Man United 4-0 Chelsea
Trận thua này là nỗi đau lớn với Chelsea, khi đây là lần đầu tiên họ góp mặt vào một trận chung kết FA Cup sau 24 năm chờ đợi, cũng là danh hiệu được chờ mong 22 năm, sau chức vô địch League Cup đoạt được năm 1972.
Chelsea vô địch FA Cup 7 lần trong lịch sử CLB. Năm 2007, dưới sự dẫn dắt của HLV Jose Mourinho, Chelsea thắng Man United 1-0 ở Wembley với bàn thắng duy nhất của Drogba ghi được trong hiệp phụ.
2. Trận gặp nhau gần đây nhất giữa Chelsea và Man United diễn ra chưa đầy 5 tháng trước, trên Stamford Bridge, cũng kết thúc với tỷ số 4-0, nhưng phần tủi hổ lại gọi tên Quỷ đỏ, thay vì đội bóng màu xanh thành London như thuở nào.
Ở đó, bàn thắng mở tỷ số nhanh kỷ lục của Pedro ở giây thứ 29,6 cho Chelsea là phần thưởng mà Smalling, Blind và David de Gea trao cho đối phương khi cùng phạm sai lầm nghiêm trọng. Đấy cũng chính là bàn thắng mở toang ra chiến thắng của "The Blues", như 2 bàn thắng cùng trên chấm phạt đền ngót 23 năm trước của Eric Cantona.
Bàn thắng mở tỷ số nhanh kỷ lục của Pedro đến từ sai lầm chết người của hàng thủ Man United.
Gần 23 năm đã trôi qua, vị thế của Man United và Chelsea giờ đây đã khác, tâm thế của họ cũng khác. Chelsea giờ lì lợm, lạnh lùng và tàn nhẫn như Eric Cantona của Man United 23 năm về trước. Cả Premier League nhìn họ với ánh mắt kiêng dè và khiếp đảm. Chelsea chẳng cần thắng tưng bừng, nhưng một khi đã ra đòn, đối phương ắt phải gục. Đấy là lý do họ đứng chót vót ở đỉnh cao.
Man United dưới thời Mourinho không hề yếu, với bản hợp đồng hàng đầu thế giới, với chân sút từng làm khuynh đảo cả châu Âu, nhưng những lỗi lầm đã trở thành bản chất đã biến họ thành một đội bóng hạng trung.
Kể từ trận thua mất mặt trên sân Stamford Bridge, Man United có chuỗi trận bất bại dài lê thê ở đấu trường Premier League, nhưng kết cục, họ vẫn lẹt đẹt ở vị trí thứ 6 đáng hổ thẹn, bởi những trận hòa "chẳng đâu vào với đâu", bởi những lỗi lầm đến từ mọi vị trí.
Đấy là quả penalty ngu ngốc của Fellaini chỉ sau có 10 giây vào sân, khiến Quỷ đỏ mất 2 điểm trước Everton. Đấy là bàn thua biếu cho Giroud cuối trận ở trận hòa với Arsenal. Đấy là cái chân "vô duyên" của Luke Shaw khiến Bournemouth có bàn gỡ hòa trên chấm phạt đền, là quả penalty trượt của Ibrahimovic khi cơ hội chen chân vài top 4 chỉ cách họ có 1 bàn thắng...
Trận đấu trong khuôn khổ FA Cup giữa Man United và Chelsea có nhiều bàn thắng nhất là ở vòng 3 FA Cup năm 1998. David Beckham ghi 2 bàn giúp Man United thắng 5-3.
3. Những lỗi lầm "khó đỡ" và quen thuộc ấy không đến vì trình độ của các cầu thủ Man United, cũng chẳng đến vì trọng tài. Nó đến từ chính thái độ thi đấu, từ chính sự cạn kiệt nhiệt huyết - cái nhiệt huyết từng giúp Man United dưới tay Sir Alex Ferguson khiến cả châu Âu khiếp sợ.
Nó là thứ nhiệt huyết giúp các Quỷ đỏ thực thụ phải khiến Bayern Munich phải khóc hận khi cháy hết mình cho đến giây cuối cùng của trận chung kết Champions League để đời 18 năm về trước. Nó là thứ nhiệt huyết khiến mọi đối thủ phải cuống quýt, run sợ mỗi khi trận đấu tiến về những phút cuối cùng, tạo nên "Fegie Time" - những phút cuối trận để đời mang tên Man United.
Ngày ấy, niềm tin sắt đá vào chiến thắng đã giúp Man United có trận chung kết Champions League để đời trước Bayern Munich.
Ngày ấy, dù Man United có gặp khó khăn đến đâu đi nữa thì Sir Alex vẫn đặt niềm tin của mình vào các học trò - những đứa con của mình một cách tuyệt đối. Niềm tin ấy đã không ít lần giúp các cầu thủ Man United xả thân với niềm tin sắt đá về chiến thắng.
Năm 1999, Man United giành cú ăn ba vĩ đại đã vượt qua Chelsea ở tứ kết FA Cup với bàn thắng duy nhất của Dwight Yorke trên Stamford Bridge, sau khi hai đội hòa 0-0 ở trận đấu trên Old Trafford.
Mourinho cũng đã từng là một HLV như thế. Nhưng hiện tại, kinh qua sóng gió, với tấm lưng chi chít "vết dao" của các học trò, HLV người Bồ Đào Nha trở nên dè chừng với chính các cầu thủ của mình. Cái tình cảm khắng khít, nể sợ nhưng yêu mến, tôn trọng hết mực với Sir Alex ngày xưa của các học trò, nay đã chẳng còn với ông thầy mới.
Giờ đây, những lỗi lầm ngớ ngẩn đã trở thành người bạn song hành cùng Quỷ đỏ.
Mourinho và Man United bước vào trận đại chiến với Chelsea có thể sẽ không run rẩy, bởi họ là những người chuyên nghiệp, đã từng kinh qua trăm trận, nhưng những lỗi lầm nhiều khả năng sẽ lại tái hiện, bởi nó đang trở thành tiềm thức của một Man United hậu Alex Ferguson.
Ở đấy, một Conte và Chelsea lạnh lùng chỉ cần thi đấu đúng những gì mình có, như đấu sĩ với mảnh vải đỏ và thanh kiếm nhọn, vờn con bò tót cho đến lúc nó mệt, lộ ra sơ hở để đâm nhát kiếm kết liễu.
Trước một Chelsea như thế, Man United lấy cửa nào để hi vọng đây?