Ngày 19/8, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động ban hành nghị quyết thông qua quyết định giải thể công ty con.
Theo đó, công ty con bị giải thể là Công ty cổ phần Thế Giới Số Trần Anh, mã số doanh nghiệp 0101217009. Nguyên nhân giải thể là do Thế Giới Di Động tái cơ cấu công ty con nhằm tối ưu việc vận hành.
Trước Trần Anh, một số công ty con của Thế Giới Di Động cũng bị "khai tử" với lý do tương tự.
Hồi đầu tháng 5, MWG giải thể Công ty cổ phần 4K Farm và Công ty cổ phần Logistics Toàn Tín với lý do tái cơ cấu nhóm các công ty con, nhằm tối ưu việc vận hành.
Trước đó, doanh nghiệp này từng lên kế hoạch triển khai 4K Farm với mô hình chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nông dân trồng rau an toàn với 4 tiêu chuẩn: Không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen. Tuy nhiên đến cuối năm 2023, theo nhận định của tập đoàn, công ty con này cơ bản ngừng hoạt động do kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng và chưa phù hợp với định hướng phát triển chung.
Còn Logistics Toàn Tín thành lập hồi tháng 11/2021, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường bộ. Theo giới thiệu của MWG, công ty logistics này đang cung cấp dịch vụ kho bãi, cung ứng hàng hóa cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, Thế Giới Di Động, An Khang… trên toàn quốc.
Vài năm gần đây, Thế Giới Di Động liên tục mở rồi khai tử nhiều mô hình kinh doanh chỉ sau một thời gian kinh doanh.
Cụ thể, AVAFashion - chuỗi thời trang gia đình cũng đóng cửa giữa năm 2022, chỉ sau 6 tháng khai trương. Chuỗi trang sức AVAJi cũng mất hút và AvaSport thì đóng hàng chục cửa hàng.
Một ngành hàng khác nhanh chóng được mở và khai tử tại Thế Giới Di Động là mắt kính. Sau 9 tháng bán thử nghiệm bằng cách kê thêm tủ kính mắt tại cửa hàng điện thoại, hướng đi này được đánh giá không khả quan, chịu chung cảnh ngộ đóng của.
Chuỗi Điện thoại Siêu rẻ bán các loại điện thoại có giá dưới 8 triệu đồng, giá rẻ hơn 10% tại chuỗi Thế giới Di động với kỳ vọng giành từ các cửa hàng di động nhỏ và hộ gia đình cũng nhanh chóng bị giải thể sau 2 năm hoạt động.
Hay trang thương mại điện tử vuivui.com cũng đóng cửa vào năm 2018 chỉ sau 2 năm khai trương. Trang thương mại điện tử này ra đời với mục đích mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm trực tuyến an toàn, tin cậy, thuận tiện cùng giá cả cạnh tranh với gần 40.000 sản phẩm.
Tại nước ngoài, doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài cũng đóng chuỗi Bluetronics – chuỗi điện máy ở thị trường Campuchia sau 6 năm hoạt động.
Ngoài việc tạm dừng các mô hình kinh doanh không hiệu quả, với những chuỗi bán lẻ dược phẩm, tạp hóa, điện thoại… đang hoạt động, MWG cũng chú trọng vào "chất" chứ không phải số lượng cửa hàng.
Tại cuộc họp nhà đầu tư quý II/2024, đại diện MWG cho biết doanh nghiệp đã cơ bản hoàn tất việc đóng các cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy Xanh.
Nửa đầu năm nay, chuỗi Điện Máy Xanh đã đóng đến 91 cửa hàng, chỉ còn 2.093 điểm bán. Đây là đợt đóng cửa hàng mạnh nhất lịch sử của chuỗi Điện Máy Xanh.
Tương tự, 25 cửa hàng điện thoại thegioididong.com cũng phải dừng hoạt động. Nhà thuốc An Khang đóng 46 điểm bán, chỉ còn 481 nhà thuốc hoạt động. Trong tương lai, chuỗi nhà thuốc này dự kiến đóng tiếp gần 200 cửa hàng, duy trì số nhà thuốc đang hoạt động khoảng 300 điểm bán.
"Số lượng cửa hàng sẽ được điều chỉnh tùy theo từng thời điểm. Nếu thị trường phát triển mạnh và cơ hội mở ra nhiều, chúng tôi sẽ tập trung cho việc mở rộng quy mô nhằm tăng doanh thu và chiếm thị phần lớn hơn. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện tại, MWG tập trung nhiều hơn vào "chất" của mỗi cửa hàng", đại diện MWG nói.