Mới đây, Reuters đưa tin VNG chuẩn bị khởi kiện TikTok do ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng này vi phạm bản quyền một số bài hát thuộc sở hữu của Zing, với yêu cầu bồi thường thiệt hại lên đến hơn 221 tỷ đồng (9,5 triệu USD).
Zing MP3 - công cụ nghe và tìm kiếm nhạc trực tuyến của Zing - ra đời năm 2007. Trước khi đi kiện Tiktok, VNG và Zing từng là bị đơn của một loạt vụ kiện khác cũng liên quan đến bản quyền, với khoản yêu cầu bồi thường cao nhất lên tới 450 triệu USD.
Đầu năm 2014, Tuổi trẻ đưa tin, Trung tâm sản xuất, phát hành nhạc Làng Văn thông báo đã khởi kiện Tập đoàn VNG - đơn vị sở hữu website nghe nhạc trực truyến Zing Mp3 - ra tòa án Mỹ do vi phạm bản quyền của trung tâm.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lại thông tin từ AP cho biết Làng Văn đòi bồi thường 150.000 USD cho mỗi vi phạm, có nghĩa là nếu tòa xử cho bên này thắng thì họ sẽ được bồi thường tối đa 450 triệu USD.
Cũng trong năm 2014, Zing MP3 bị khởi kiện vì vi phạm bản quyền nhạc Hàn Quốc. Công ty Việt Giải Trí – đơn vị có quyền chính thức phân phối và khai thác các nội dung K-Pop tại Việt Nam - đã ghi nhận gần 1 tỉ lượt nghe, xem các bài hát Hàn Quốc trên trang Zing MP3 mà đơn vị này có bản quyền. Đơn vị này gửi đơn khiếu kiện và đề nghị tòa án buộc VNG thanh toán tiền thù lao cho Việt Giải Trí là 4 tỉ đồng.
Trước đó, các đơn vị quản lý nội dung từ phía Hàn Quốc gồm KT Corporation cũng như đơn vị sản xuất SM Entertainment, JYP Entertainment đã gửi công văn trực tiếp đến cho VNG yêu cầu VNG, Zing MP3 chấm dứt tình trạng xâm phạm bản quyền cũng như gỡ bỏ các sản phẩm âm nhạc thuộc sở hữu của KT, SM, JYP. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp vào tình trạng xâm phạm nội dung K-Pop; các đơn vị xâm phạm phải chịu trách nhiệm và án phạt theo quy định của Pháp luật.
Bên cạnh các vụ kiện từ doanh nghiệp, Zing cũng đối mặt với một số vụ kiện từ các nghệ sỹ trong nước như cố nhạc sỹ Trần Lập (cuối năm 2014), Duy Mạnh (cuối năm 2018 và 2019).
Câu chuyện vi phạm bản quyền từng giáng đòn kinh tế nặng nề lên Zing, khi hai ông lớn Coca-cola và Samsung quyết định gỡ bỏ một loạt quảng cáo vì cho rằng có sự vi phạm bản quyền khi Zing cho người dùng tải nhạc bất hợp pháp hồi năm 2012. Zing sau đó lập tức khắc phục bằng cách ký kết với hãng thu âm Universal Music để mua bản quyền.