Trước khi Chủ tịch bị bắt, Vimedimex kinh doanh thế nào?

Hà My |

Vimedimex có doanh thu hàng chục nghìn tỷ mỗi năm, tăng trưởng đều đặn 10-20% mỗi năm. Do đặc thù biên lợi nhuận ngành dược mỏng, công ty lãi chỉ khoảng 50 tỷ đồng, tăng trưởng lợi nhuận trên dưới 5% mỗi năm.

Vimedimex tiền thân là Công ty xuất nhập khẩu Y tế, được thành lập từ tháng 11/1984 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là doanh nghiệp nhà nước và cũng là công ty xuất nhập khẩu đầu tiên của Bộ Y tế, trực thuộc liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt nam.

Đến năm 1993, Vimedimex được đổi tên thành Công ty Xuất nhập khẩu y Tế II TPHCM, gọi tắt lúc bấy giờ là Vimedimex II.

Từ năm 2006, Vimedimex chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, với tên gọi chính thức là Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex, vốn điều lệ 25 tỷ đồng trong đó Nhà nước nắm 51%.

Năm 2010, Vimedimex đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán và đến nay sau hơn 1 thập kỷ, vốn hóa công ty đạt 714 tỷ đồng, với vốn điều lệ 154 tỷ đồng.

Theo số liệu của Vimedimex, doanh thu của công ty từ năm 2007 đến nay đã tăng gấp 6 lần, tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 10-20% mỗi năm. Năm 2020 vừa qua là lần đầu tiên doanh thu Vimedimex tăng trưởng âm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. 9 tháng đầu năm 2021, Vimedimex đạt doanh thu gần 9.900 tỷ đồng.

Vimedimex cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, công ty đã có những thay đổi đáng kể khi chuyển mình từ phân phối thuốc nhập khẩu sang giai đoạn tự sản xuất thuốc để phân phối. Bên cạnh đó, công ty đang trong quá trình đầu tư xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-EU với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.670 tỷ đồng.

Để mở rộng thị trường, Vimedimex đã hợp tác liên doanh với Công ty cổ phần dược phẩm Vimedimex 2, phát triển 63 trung tâm phân phối dược phẩm Vimedimex và 315 siêu thị thuốc mini mở tại 63 tỉnh thành trên cả nước.

Vimedimex cũng chỉ định công ty con của mình là Công ty TNHH - Trung tâm phân phối dược phẩm Vimedimex trực tiếp thực hiện chức năng phân phối bán lẻ, bán online trên nền tảng phần mềm Oracle netsuite, Mobile App kết nối trực tiếp đến bác sỹ kê đơn và chức năng bán buôn, bán lẻ online, đấu thầu kết nối trực tiếp đến các bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc trên nền tảng ứng dụng phần mềm của công ty.

Năm 2020, Vimedimex mở rộng hợp tác liên doanh với bệnh viện Phổi Trung ương, phát triển hệ thống Phòng khám đa khoa vệ tinh - CNC hoạt động theo mô hình bác sỹ gia đình với mục tiêu: Vận hành hệ thống phòng khám đa khoa, nhà thuốc theo quy mô dân cư, nằm trong các dự án bất động sản do Vimefulland phát triển.

Trước khi Chủ tịch bị bắt, Vimedimex kinh doanh thế nào? - Ảnh 1.

Về lợi nhuận, Vimedimex giai đoạn 2015-2020 tăng trưởng đều đặn khoảng 5% mỗi năm, báo lãi hơn 50 tỷ đồng năm 2020.

9 tháng đầu năm nay, Vimedimex lãi 38,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Trước khi Chủ tịch bị bắt, Vimedimex kinh doanh thế nào? - Ảnh 2.

Trên sàn chứng khoán, Vimedimex gây ấn tượng mạnh trong năm 2020 với chuỗi tăng trần liên tiếp hồi tháng 8/2021, sau khi có thông tin liên quan đến việc nhập khẩu vaccine của công ty này. Từ mức giá trên dưới 25.000 đồng/cổ phiếu, Vimedimex tăng vọt lên 82.400 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng hơn 3 lần trong chưa đầy 1 tháng.

Tuy nhiên, ngay sau đó cổ phiếu của công ty lại "rơi tự do", giảm một nửa còn khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, 4 phiên giao dịch gần đây Vimedimex đều tăng trần và giá đóng cửa phiên 9/11 là 46.250 đồng/cổ phiếu.

Trước khi Chủ tịch bị bắt, Vimedimex kinh doanh thế nào? - Ảnh 3.

Ngay sau khi có thông tin Chủ tịch Nguyễn Thị Loan bị bắt, cổ phiếu của Vimedimex lập tức bị bán tháo, giảm sàn trong phiên giao dịch sáng 10/11. Bà Loan bị bắt để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản", xảy ra trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội.

Kết quả điều tra ban đầu xác định tháng 8/2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5 ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bà Loan đã thông đồng với cán bộ của Ban quản lý cùng với các bị can thuộc công ty thẩm định giá can thiệp để điều chỉnh trị giá khu đất xuống thấp hơn giá trị thực. Các bị can đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ thẩm định giá và hạ giá trị khu đất còn xuống 300 tỉ đồng. Hội đồng thẩm định giá đất đã duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá khu đất trên.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex lập nhiều công ty để làm "quân xanh, quân đỏ" tham gia đấu giá khu đất trên. Một công ty do bà Loan nắm quyền chi phối trúng đấu giá khu đất với mức hơn 20 triệu đồng/m2.

Công an xác định chỉ 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bà Loan đã bán với khu đất trên với giá từ 80 triệu đến cả trăm triệu đồng 1m2 tùy vị trí.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 200 tỉ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại