Trung, Triều lợi gì khi các đồng minh Mỹ rạn nứt?

HÀ MINH THU |

Những bước đi của Seoul và Tokyo, cùng sự bất lực của Washington trong việc cải thiện các mối quan hệ căng thẳng đã khiến các chuyên gia băn khoăn về tương lai quan hệ Nhật-Hàn.

CHDCND Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào ngày 24-8, hai ngày sau khi Hàn Quốc quyết định rút khỏi thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản. Mới đây, Tokyo cho biết dường như Triều Tiên đang phát triển tên lửa mới với mục đích xuyên thủng lá chắn tên lửa đạn đạo của Nhật Bản.

Hãng tin CNN lo ngại rằng sự rạn nứt trong mối quan hệ Nhật-Hàn sẽ làm suy yếu hợp tác an ninh giữa hai cường quốc đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên và tạo điều kiện để Trung Quốc (TQ) giành uy thế trong khu vực.

Ảnh hưởng đa phương

Hàn Quốc đã quyết định rút khỏi Thỏa thuận bảo mật thông tin quân sự (GSOMIA) để trả đũa một loạt hạn chế thương mại mà Nhật Bản đã áp đặt từ đầu tháng 7, bao gồm cả việc loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách các quốc gia được hưởng ưu đãi thương mại. Quyết định trên sẽ có hiệu lực vào tháng 11 này.

Theo tờ The Washington Post, mặc dù động thái này nhắm trực tiếp vào Nhật Bản, việc rút khỏi GSOMIA cũng làm giảm an ninh quốc gia của Hàn Quốc và khiến liên minh Mỹ-Nhật-Hàn bị động hơn trong việc đáp trả các hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Bên cạnh đó, quyết định đã khiến Seoul cô lập mình về mặt ngoại giao. Cả Washington và Tokyo đều chỉ trích quyết định của Nhà Xanh. Lầu Năm Góc bày tỏ sự lo lắng và thất vọng, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra những lo ngại về an ninh khu vực Đông Bắc Á .

Triều, Trung được lợi gì?

Ông Abraham Denmark, Giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson, nhận định điều này sẽ trì hoãn việc đưa ra quyết định quan trọng và có khả năng tác động không nhỏ trong những cuộc khủng hoảng khu vực.

Nói về vấn đề Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục bắn thử tên lửa tầm ngắn với tần suất cao như mùa hè này, dữ liệu tình báo Hàn Quốc sẽ có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích như vận tốc, độ cao và độ tinh vi của vũ khí. Những kết luận này sẽ giúp Tokyo, Seoul và Washington nhanh chóng đưa ra quyết định về hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Đặc biệt, cách đây hơn một tuần, Triều Tiên đã bắn thêm hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn, chạm mốc bảy lần trong vòng một tháng. Ba cường quốc Liên minh châu Âu Anh, Pháp, Đức đã cảnh báo các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng và cho rằng nó đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Mặt khác, quyết định chấm dứt thỏa thuận GSOMIA có thể thúc đẩy TQ tăng cường sức mạnh vũ khí. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên các đảo do Nhật quản lý và phản đối Hàn Quốc khi nước này năm 2016 lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ THAAD trên lãnh thổ của mình.

Kể từ năm 2014, TQ đã cho ra mắt nhiều tàu ngầm, tàu chiến, tàu đổ bộ và phụ trợ chính so với tổng số tàu đang phục vụ trong hải quân Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Đài Loan và Anh, theo báo cáo năm 2018 của Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS). Không quân TQ cũng thường xuyên giới thiệu các máy bay và vũ khí mới, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình J-20 hai động cơ. Không quân Bắc Kinh hiện lớn nhất ở châu Á và lớn thứ ba trên thế giới, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.

Điều này có thể giúp ích cho những nước muốn thấy sức mạnh của Mỹ và các đồng minh của nước này suy giảm ở châu Á. Đặc biệt, cả TQ và Triều Tiên đều xem Mỹ là đối thủ chính và các đồng minh của Mỹ là những trở ngại lớn cho mục tiêu chiến lược của họ. Vấn đề về liên minh này không những là thách thức đối với Washington mà còn là biểu hiện của sự suy giảm sức mạnh của Mỹ ở châu Á.

Ông ABRAHAM DENMARK, Giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson

Tương lai quan hệ Nhật-Hàn

Nhà Xanh của Hàn Quốc phủ nhận sự ảnh hưởng về an ninh xoay quanh động thái mới này. Phó cố vấn an ninh quốc gia Kim Hyun-chong tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo hạn chế với Nhật Bản thông qua Thỏa thuận chia sẻ thông tin ba bên (TISA) giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

TISA được ký năm 2014 để đối phó với sức mạnh hạt nhân và tên lửa đang ngày càng lớn của Triều Tiên. Thỏa thuận đó giới hạn phạm vi thông tin có thể chia sẻ chỉ liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, khác với GSOMIA cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản trao đổi thông tin tình báo rộng hơn về Triều Tiên. Với việc chấm dứt thỏa thuận này, hai đồng minh của Mỹ sẽ phải thông qua Washington để điều phối bất kỳ phản ứng nào với Bình Nhưỡng.

Seoul, Tokyo và Washington phải đối mặt với những thách thức an ninh chung dường như đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn về tình báo. Nhưng những bước đi gần đây của Seoul và Tokyo, cùng sự bất lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc cải thiện các mối quan hệ căng thẳng đã khiến các chuyên gia băn khoăn về tương lai quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản, tờ Independent cho biết.

Vai trò trung gian của Mỹ trong mối quan hệ Nhật-Hàn

Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký một hiệp ước vào năm 1965, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và được cho là giải quyết các vấn đề thời chiến kéo dài. Nhưng nhiều người Hàn Quốc cảm thấy thỏa thuận này là không công bằng.

Giữa những bất đồng trong nhiều lĩnh vực xã hội - lịch sử, hai nước vẫn liên kết mạnh mẽ trong mối quan hệ quân sự. Washington thường là đồng minh làm trung gian giúp hai nước ngồi vào bàn đàm phán và giải quyết các vấn đề dựa trên lợi thế của sự thống nhất nhằm đối mặt với các nguy cơ từ Bình Nhưỡng hoặc Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên tỏ ý phản đối việc rót các khoản đầu tư cao của Mỹ vào các mạng lưới liên minh trong khu vực và đang thúc đẩy cả Hàn Quốc và Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào quan hệ đối tác quân sự với Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại