Trung tâm hành chính nghìn tỷ: Thích co vào, chán tách ra

Dũng Nguyễn |

"Bây giờ có tình trạng các tỉnh đua nhau chuyển sang mô hình trung tâm hành chính. Đang có trụ sở riêng lẻ tốt, giờ tự nhiên lại dồn tất vào một chỗ. Rồi một thời gian chán lại tách ra, như Trung tâm hành chính Đà Nẵng đang chán rồi, rất lãng phí", ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9.

Trụ sở đang tốt vẫn dồn xây mới

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, phạm vi của tài sản công rất rộng nên việc quy định tất cả các loại tài sản vào sẽ dẫn đến tình trạng luật khung, thiếu tính khả thi.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cần ban hành bộ luật về tài sản công hoặc căn cứ vào tính chất, đặc điểm, nguồn hình thành của từng loại tài sản công, các nhóm tài sản công để xây dựng các luật cụ thể cho phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, việc ban hành luật này nếu không thận trọng sẽ xung đột với các luật chuyên ngành khác.

Ông Việt nêu ví dụ Trung tâm hành chính Đà Nẵng trong trường hợp không dùng được nữa, phải chuyển đi chỗ khác thì không chỉ bị điều chỉnh bởi luật này, mà còn liên quan đến cả Luật Xây dựng. Bởi Trung tâm này thuộc sự quản lý tài sản công, nhưng việc xây dựng không đúng lại liên quan đến Luật Xây dựng.

Tương tự đối với việc quản lý tài nguyên khoáng sản cũng sẽ xung đột với Luật Khoáng sản.

Khẳng định nếu không quản lý tốt sẽ gây lãng phí lớn tài sản công, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng tỏ ra lo ngại trước hội chứng xây dựng công trình mới ở các địa phương.

"Bây giờ có tình trạng các tỉnh đua nhau chuyển sang mô hình trung tâm hành chính, đang có trụ sở lẻ tốt, giờ tự nhiên lại dồn tất vào một chỗ.

Rồi một thời gian chán lại tách ra, như Trung tâm hành chính Đà Nẵng đang chán rồi. Không thể có chuyện hôm nay co vào, mai lại tách ra, rất lãng phí", ông Phúc cho hay.

Quản lý nhà công, xe công chưa hiệu quả

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dự án luật sẽ điều chỉnh thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, ô tô công từ Thủ tướng Chính phủ sang Chính phủ để nâng cao hiệu lực pháp lý và thực thi trong thực tiễn.

Đồng thời dự án cũng bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công, gồm mua sắm tập trung, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, khoán kinh phí sử dụng tài sản công.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, điều chỉnh bổ sung ngay đối tượng, tiêu chuẩn, định mức trang bị tài sản công như: xe công, trụ sở làm việc, nhà công vụ trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản dưới luật trong thời gian vừa qua.

Dù đã có nhiều chính sách, tuy nhiên theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc quản lý nhà công, xe công vẫn chưa hiệu quả.

"Chính sách có rồi, nhưng sao chúng ta vẫn chưa quản lý tốt nhà công vụ, xe công?", bà Nga đặt câu hỏi và đề nghị báo cáo của Chính phủ nên tổng hợp ý kiến đầy đủ từ các bộ, ngành, cơ quan sử dụng tài sản công để mang tính phổ quát, phản ánh đúng tình hình thực tế.

Bà Nga dẫn báo cáo về sử dụng xe công tính tới tháng 7/2016 đối với khối cơ quan nhà nước đang sử dụng hơn 16.653 xe công, khối đơn vị sự nghiệp quản lý hơn 16.194 chiếc, khối các tổ chức quản lý sử dụng 4.566 chiếc, khối các ban quản lý sử dụng 224 chiếc ...

Theo bà Nga, luật sửa đổi phải giải quyết được tình trạng sử dụng xe công sai mục đích, đặc biệt Bộ Tài chính cần rà soát lại chi phí sửa xe cũ hằng năm rất lớn mà dư luận phản ánh trong thời gian qua.

Theo ông Võ Trọng Việt, Quốc hội đã nói nhiều đến những bất cập liên quan trụ sở công, xe công. "Tôi cho rằng, tất cả là do mình làm không đúng thôi.

Một ông lãnh đạo thích đi xe cũ để được uy tín, trong khi một tổng giám đốc đi xe hoành tráng, rất vô lý, không công bằng. Cần sắp xếp cho đúng, cán bộ càng to càng được đi xe to, có phòng làm việc to", ông Việt nêu quan điểm.

Báo cáo chuyên sâu về Formosa với Quốc hội

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV dự kiến kéo dài từ 20/10 đến 22/11. Trong đó, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tình hình biển Đông và việc khắc phục hậu quả sự cố môi trường liên quan tới Formosa Hà Tĩnh.

Do là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm, nhiều đại biểu đề nghị có báo cáo riêng và chuyên sâu vụ Formosa, chứ không gộp chung vào báo cáo kinh tế xã hội.

Nếu đóng dấu mật thì phải phân tích sâu sắc, tương xứng với mức độ mật của tài liệu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, báo cáo riêng về Formosa và biển Đông phải đầy đủ, thực chất những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thành Nam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại