Ngay sau khi vụ việc bị phát giác, các cơ quan chức năng đã lập tức điều tra xử lý 17 cán bộ liên quan. Trong số các các bộ bị xử lý có Phó chủ tịch huyện Kim Hồ, nơi xảy ra vụ việc. Các hình thức xử lý gồm lập án điều tra, khai trừ Đảng và cách chức. Việc xử lý kỷ luật các cá nhân sẽ chưa dừng lại ở đây khi công tác điều tra vẫn đang tiếp tục tiến hành.
Vụ việc xảy ra hôm 7/1 khi có phụ huynh công tác tại bệnh viện đưa con đi tiêm chủng tình cờ phát hiện vaccine bại liệt quá hạn vẫn được sử dụng. Tính đến ngày 9/1, cơ quan y tế huyện Kim Hồ đã cho tổng cộng 145 trẻ dùng loại vắc xin bại liệt dạng uống đã quá hạn sử dụng gần 1 tháng này. Một số trẻ sau khi dùng vaccine có những phản ứng bất thường như ban đỏ, đi ngoài, nôn...
Một phụ huynh cho biết: "Sau khi uống vaccine tầm nửa tiếng là cháu có phản ứng, nôn khan trong khi không hề bị cảm ốm gì".
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự tắc trách của cán bộ y tế không kiểm tra mã số lô thuốc trước khi đưa vào sử dụng.
Đây là loại vaccine được cung cấp miễn phí do Công ty trách nhiệm hữu hạn sinh phẩm Bắc Nghiên Sinh của Bắc Kinh sản xuất.
Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều phụ huynh tiếp tục phản ánh hiện tượng bị tiêm hoặc uống vaccine quá hạn diễn ra từ nhiều năm trước.
Thậm chí có người cho biết, việc sử dụng vaccine quá hạn đã từng xảy ra ở huyện Kim Hồ từ năm 2010 với nhiều loại vaccine khác nhau.
Cuối năm 2018, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc lần đầu tiên xem xét dự thảo Luật quản lý vaccine. Được biết, dự thảo Luật nhấn mạnh việc quản lý, kiểm soát, đảm bảo an toàn, sự giám sát của xã hội cũng như truy cứu trách nhiệm, xử phạt hình sự đối với các sai phạm trong quá trình sản xuất và tiêu thụ vaccine tại Trung Quốc./.