Theo khảo sát mới nhất của FT Confidential Research, một bộ phận nghiên cứu thuộc FT, hơn 60% số người giàu Trung Quốc được hỏi cho biết họ sẽ tiếp tục tăng số tài sản ở nước ngoài trong vòng 2 năm tới.
Khảo sát cũng cho thấy, 47% số người có tài sản đầu tư trên 1 triệu USD đã dành tới hơn 30% tài sản của mình để đầu tư ở nước ngoài.
Một nghiên cứu mới đây của Công ty Tư vấn Bain & Company (Mỹ) cũng cho ra kết quả, số người Trung Quốc chuyển ra nước ngoài sinh sống đang tăng đáng kể.
Hình thức đưa tài sản ra nước ngoài thường thấy của giới giàu có Trung Quốc là mua bất động sản sau đó đến chứng khoán, các tài sản thương mại cũng như các gói bảo hiểm nhân thọ.
Mỹ là điểm đến ưa thích của tới 42% số người được hỏi. Nền kinh tế mạnh mẽ cùng với hệ thống giáo dục chất lượng cao đang khiến Mỹ trở thành nơi hút tầng lớp giàu có Trung Quốc.
Trong nghiên cứu của FT Confidential, lý do đầu tư ra nước ngoài được tới 38% số người đưa ra là họ muốn con cái mình có được môi trường học tập tốt hơn.
Ngoài ra, nghiên cứu từ cuối năm 2015 của công ty tư vấn di cư Hurun Report & Visas Consulting Group (Trung Quốc), cho thấy, nhiều người muốn rời bỏ Trung Quốc vì lo ngại môi trường ô nhiễm cũng như các vấn đề an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, ông Shang Dai, giám đốc điều hành của Kuafu Properties, một nhà phát triển có trụ sở tại New York, nhận định: "Mục đích của những gia đình giàu có Trung Quốc khi đầu tư ở nước ngoài là kiếm nhiều tiền nhiều nhất có thể để bảo vệ sự giàu có của mình”.
Nhiều gia đình giàu có Trung Quốc đang tìm cách đưa tài sản và con cái ra nước ngoài.
Tuy nhiên, có một lý do khác không thể phủ nhận được là sự bất an đối với tài sản trong bối cảnh Trung Quốc đang có nhiều thay đổi về chính sách và nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.
Trong số những người giàu có Trung Quốc, có một số lượng đáng kể những doanh nhân tự thân, những người đã nỗ lực để thu lợi từ việc Trung Quốc mở rộng kinh tế.
Họ cũng chính là những người giúp tăng cường dòng chảy đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính sách tái cân bằng nền kinh tế, dịch chuyển từ mô hình dựa nhiều đầu tư sang kinh tế theo hướng tiêu dùng, đã giáng một đòn mạnh vào những ngành công nghiệp từng thu lợi cao như năng lượng và ngành sản xuất các mặt hàng giá rẻ, khiến các chủ doanh nghiệp lo ngại khi lợi nhuận giảm.
Một doanh nhân có tên Hoàng ở Thâm Quyến cho hay: "Chính sách của Trung Quốc thay đổi chóng mặt. Tôi lo lắng về sự an toàn đối với tài sản của mình".
FT dẫn lời ông trùm ngành xuất bản và thời trang Hung Huang nói: "Bạn có thể cảm nhận được sự lo lắng của giới siêu giàu. Họ cảm thấy sự giàu có hoặc tài sản của họ không được đảm bảo, và rằng tài sản của họ có thể mất bất cứ lúc nào".
Không chỉ tài sản, các gia đình giàu có Trung Quốc còn đua nhau gửi con cái sang phương Tây học.
Theo dữ liệu chính thức, chỉ trong năm 2014, 460.000 sinh viên Trung Quốc đã ra nước ngoài học, tăng nhiều so với con số 115.000 cách đây một thập kỉ, tức là vào năm 2004.
Nhiều người còn mua nhà tại các khu vực có trường học tốt để đảm bảo cho con họ có một chỗ tại các trường đó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong những năm gần đây, Long Island, khu vực phía đông giàu có của thành phố New York, đã chứng kiến nhiều người Trung Quốc tìm cách cho con học ở các trường công lập chất lượng cao.
Jennifer Lo, một nhà môi giới tại công ty bất động sản Douglas Elliman, ước tính, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2013 tới tháng 2/2015, các nhà đầu tư Trung Quốc chiếm một phần tư số người mua nhà trị giá từ 3 triệu USD trở lên tại quận Nassau, nơi tập trung một số trường trung học tốt nhất của Mỹ.
Thật vậy, các bậc cha mẹ Trung Quốc bị ám ảnh với khu vực này đến nỗi, Barbara Candee, một giám đốc tại công ty bất động sản Sotheby's International Realty, chuyên về bất động sản ở Long Island, cho hay, từ tiếng Anh duy nhất mà một số khách hàng Trung Quốc của bà có thể nói được là "Jericho".
Jericho là một khu ở Long Island, nơi trường trung học ở đây xếp thứ hai ở Mỹ.
Một động cơ thường thấy khác khiến giới giàu có Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài là họ muốn có được quốc tịch nước ngoài. Nhiều người mua tài sản ở nước ngoài để có được hộ chiếu ở nơi đó.
Theo nghiên cứu của Hurun Report & Visas Consulting Group, trong số 280 người Trung Quốc có tài sản ròng trung bình khoảng 4,6 triệu USD, có tới 12% đã có hộ chiếu nước ngoài, thẻ xanh hay thẻ thường trú lâu dài ở nước ngoài như Canada, Mỹ, Australia…, 26% có thẻ xanh ở nước ngoài có giá trị hơn 1 năm.
Tiền thay vì chảy vào Trung Quốc thì lại đang chảy đi. Đồng nhân dân tệ đang yếu dần càng thúc đẩy thêm dòng chảy này.
Ông Shaun Rein, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường China Market Research Group, nhận xét: "Các công ty không muốn đồng nhân dân tệ và các cá nhân cũng vậy.
Đồng nhân dân tệ đã từng được tin tưởng trong một thời gian dài, nhưng giờ không phải như vậy nữa. Rất nhiều người không muốn sở hữu nhân dân tệ”.