Theo Tổ chức Y tế thế giới, Trung Quốc có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới, và mỗi năm, bầu không khí đã khiến cho hơn một triệu người Trung Quốc thiệt mạng. Trung Quốc đang trên đà dẫn đầu thế giới về các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, thủy điện và gió.
Quốc gia này cũng có nhiều giải pháp rất sáng tạo để chống lại các vấn đề ô nhiễm, chẳng hạn như nghệ sĩ biểu diễn người Trung Quốc Brother Nut đã tạo ra gạch làm từ các hạt bụi trong không khí.
Vào năm 2016, một studio thiết kế của Hà Lan đã giới thiệu một dự án thực tế hơn, có tên gọi là Smog Free Tower (tạm dịch là Tháp chống khói bụi). Đây là một cấu trúc cao 7 mét, có thể làm sạch đến 30.000 mét khối không khí chỉ trong một giờ.
Mặc dù đây là một sáng kiến hay, song nó không đủ để giải quyết vấn đề ô nhiễm tại Trung Quốc. Vì thế, trong cùng năm đó, chính phủ Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một máy lọc không khí cao 20 tầng, có thể làm sạch từ 5 đến 18 triệu mét khối không khí mỗi ngày.
Toà tháp này nằm ở ngoại ô thành phố Tây An, một thành phố với 8 triệu dân tại trung tâm của Trung Quốc.
Theo chính phủ Trung Quốc, tòa tháp có thể giảm được số lượng chất dạng hạt mịn trong không khí (được biết dưới tên gọi PM 2.5) đến 19% trong một khu vực với diện tích 10,3 km vuông.
PM 2.5 là những phân tử siêu mịn được tìm thấy trong không khí bị ô nhiễm. Hạt này có thể gây ra những tác động gây chết người, như các bệnh về phổi, bệnh tim, và thậm chí là bệnh ung thu.
Theo Junji, sẽ cần khoảng 100 tòa tháp như vậy nếu như muốn hoàn toàn thanh lọc không khí ở Tây An. Tuy nhiên, hiện tại, tòa tháp này là tòa tháp duy nhất ở Trung Quốc, và hiện mới chỉ hoạt động như một hình thức thử nghiệm.
Cao Junji, chuyên gia bảo vệ môi trường tại Học viện Khoa học Trung Quốc đã chia sẻ với AFP: "Tôi cũng tự mình thắc mắc về điều này. Nhưng khi chúng tôi hoàn tất, kết quả khá là tốt. Chúng đạt được những mong đợi của chúng tôi."
Tham khảo Mashable