Trung Quốc tham vọng xây trạm năng lượng mặt trời trên vũ trụ vào năm 2035

Bảo Nam |

Năng lượng thu được sẽ được chuyển đổi thành sóng vi ba hoặc laser, sau đó chiếu trở lại Trái đất để con người tiêu thụ.

Trung Quốc có kế hoạch hoàn thành nhà máy năng lượng mặt trời trên không gian nặng 200 tấn với công suất cấp độ megawatt vào năm 2035, theo Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST).

"Nhà máy năng lượng mặt trời trên không gian sẽ thu được nguồn năng lượng mặt trời, thứ không bao giờ được chiếu xuống hành tinh này", Wang Li, một nhà nghiên cứu của CAST chia sẻ tại Diễn đàn Kỹ thuật Nga-Trung lần thứ 6, tổ chức vào tuần trước tại Hạ Môn, phía đông nam tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

"Năng lượng được chuyển đổi thành sóng vi ba hoặc laser, sau đó chiếu theo nguyên tắc không dây trở lại bề mặt Trái đất để phục vụ mục đích tiêu thụ của con người", Wang nói. "Chúng tôi hy vọng tăng cường hợp tác quốc tế và tạo ra những đột phá khoa học và công nghệ để nhân loại có thể đạt được giấc mơ về năng lượng sạch vô hạn vào một ngày gần nhất."

Theo ông, so với năng lượng hóa thạch truyền thống đang ngày càng cạn kiệt và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường thì năng lượng mặt trời trong không gian hiệu quả và bền vững hơn. Nó cung cấp giải pháp năng lượng đáng tin cậy cho các vệ tinh và các khu vực bị thiên tai, hay khu vực bị cách ly trên Trái đất.

Trung Quốc tham vọng xây trạm năng lượng mặt trời trên vũ trụ vào năm 2035 - Ảnh 1.

Năng lượng mặt trời trên Trái đất là không đủ cho tham vọng của Trung Quốc.

Trên thực tế, khái niệm thu thập năng lượng mặt trời trong không gian đã được phổ biến bởi nhà văn chuyên viết về chủ đề khoa học viễn tưởng Isaac Asimov vào năm 1941. Năm 1968, Peter Glaser, một kỹ sư hàng không vũ trụ Mỹ, cũng viết một đề xuất chính thức cho một hệ thống dựa trên năng lượng mặt trời trong không gian.

Nhưng Trung Quốc là quốc gia đầu tiên muốn biến điều này thành hiện thực. Quốc gia này đã đề xuất các giải pháp thu thập ánh sáng mặt trời khác nhau và tạo ra một số bước đột phá lớn trong truyền tải năng lượng không dây, kể từ khi liệt kê năng lượng mặt trời trong không gian là một chương trình nghiên cứu quan trọng trong năm 2008.

Tuy nhiên, các thách thức phải đối mặt thì không hề nhỏ. Hiện tại, tham vọng này phải giải quyết các vấn đề trước mắt liên quan đến việc khởi động và lắp đặt nhiều mô-đun tấm năng lượng mặt trời và việc truyền năng lượng không dây hiệu quả.

Nhưng với khoản đầu tư 200 triệu nhân dân tệ (tương đương 28,4 triệu USD), Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở thử nghiệm ở Bishan, phía tây nam thành phố Trùng Khánh, để tập trung nghiên cứu việc truyền tải năng lượng không dây công suất cao và các tác động của nó đến môi trường. Các nghiên cứu trong lĩnh vực này sẽ thúc đẩy khoa học vũ trụ và quá trình đổi mới của quốc gia này trong các ngành công nghiệp mới nổi như vận chuyển không gian mang tính thương mại.

Tham khảo Xinhua

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại