Trung Quốc vừa hoàn thành hải trình Đại Tây Dương, 'đánh thức' kho báu khổng lồ nghìn tỷ đô - Mỹ lo ngại

Trang Ly |

Chuyến thám hiểm đại dương của Trung Quốc khiến Mỹ dấy lên nhiều lo ngại.

SCMP thông tin, Trung Quốc vừa hoàn thành chuyến thám hiểm khoa học biển sâu đầu tiên tới Đại Tây Dương, mở rộng nỗ lực thăm dò trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về động cơ của nước này.

Sau hải trình kéo dài 164 ngày qua 57.000 km vào Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, Shenhai Yihao – tàu mẹ của tàu ngầm nghiên cứu Jiaolong (Giao Long) của Trung Quốc – đã cập cảng tại thành phố Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc.

Với Trung Quốc: Hải trình 57.000 km để phục vụ nghiên cứu khoa học

Trong chuyến đi này, 46 chuyến lặn đã được thực hiện – một kỷ lục cho một chuyến thám hiểm đại dương – cho phép các nhà nghiên cứu Trung Quốc thu thập rất nhiều dữ liệu môi trường cũng như các mẫu sinh học và địa chất đại dương, theo báo cáo của Guanhai News, một trang tin thuộc sở hữu của Nhật báo Thanh Đảo.

Sun Yongfu, nhà khoa học trưởng của đoàn thám hiểm đại dương và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Biển sâu Quốc gia Trung Quốc, nói với Guanhai News: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng tàu ngầm Giao Long để thực hiện công việc thám hiểm cho một hải trình kéo dài nhiều ngày trên Đại Tây Dương".

Trung Quốc vừa hoàn thành hải trình Đại Tây Dương, 'đánh thức' kho báu khổng lồ nghìn tỷ đô - Mỹ lo ngại- Ảnh 1.

Tàu ngầm Giao Long của Trung Quốc. Ảnh: CGTN

"Qua cuộc khảo sát, chúng tôi hiểu sâu hơn về sự phân bố của của các hoạt động sinh học thủy nhiệt và kết nối sinh học trên khắp sống núi giữa Đại Tây Dương" - ông Sun Yongfu cho biết thêm.

Sống núi giữa Đại Tây Dương, một dãy núi chủ yếu nằm dưới nước được hình thành do sự phân tách liên tục của các mảng kiến tạo, trải dài trên đại dương ngăn cách châu Âu và châu Phi với châu Mỹ. Dãy núi này chứa các khu vực hoạt động thủy nhiệt với nhiệt độ cực cao và hệ sinh thái độc đáo được các nhà nghiên cứu khoa học quan tâm.

Trước đó, các nhà nghiên cứu Trung Quôc đã xác định vị trí các khu vực thủy nhiệt trên khắp đại dương, tiến hành lặn ở 15 khu vực để thu thập dữ liệu môi trường như nhiệt độ, nồng độ khí mê-tan và hydro.

Theo báo cáo, trong quá trình lặn, họ cũng thu thập các mẫu giun, tôm và trai sống ở các khu vực thủy nhiệt, cũng như các mẫu địa chất như đá bazan và sunfua.

"Điều này có ý nghĩa to lớn đối với nghiên cứu khoa học biển sâu trong tương lai của chúng tôi".

Trong mắt Mỹ: Hải trình này chứa đầy lo ngại

Các hoạt động biển sâu của Trung Quốc có thể vượt xa hoạt động thăm dò khoa học.

Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), Trung Quốc - nằm trong số 169 bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) - đang chờ quyết định về thời điểm họ có thể bắt đầu khai thác khoáng sản ở vùng biển sâu dưới đáy đại dương.

UNCLOS đặt ra các quy tắc quản lý việc sử dụng đại dương và tài nguyên của nó, bao gồm cả hoạt động thăm dò khoa học.

Vì nắm giữ địa điểm thăm dò đại dương nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới nên Trung Quốc đang được định vị để giành được thị phần lớn nhất trong số 'kho báu biển sâu' trị giá hàng nghìn tỷ đô la Mỹ. Kho báu đó chính là các nốt đa kim rất giàu mangan, sunfua, coban, niken, vàng, bạc, vonfram, đồng và đất hiếm, CBS News (bộ phận tin tức của Đài phát thanh và truyền hình Mỹ CBS) nhận định.

Trung Quốc vừa hoàn thành hải trình Đại Tây Dương, 'đánh thức' kho báu khổng lồ nghìn tỷ đô - Mỹ lo ngại- Ảnh 2.

Đại dương thế giới đang chứa kho báu khổng lồ trị giá hàng nghìn tỷ đô la. Ảnh: BOLD

Trong bài viết của Tiến sĩ, Thuyền trưởng Don Walsh, Hải quân Mỹ (một trong hai người đầu tiên khám phá điểm sâu nhất của đại dương thế giới, Challenger Deep) đăng trên website của Viện Hải quân Mỹ năm 2021 có đoạn:

Nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ trị giá hàng nghìn tỷ đô la đang nằm dưới đáy biển rộng hơn 360 triệu km vuông của thế giới.

Có 3 khu vực tập trung nhiều khoáng sản, bao gồm: Nốt sần đa kim loại; sunfua đa kim, và các vỉa Ferro mangan giàu coban.

- Trong đó, các sần nốt đa kim có kích thước bằng củ khoai tây được tìm thấy trên đồng bằng đại dương phẳng ở độ sâu từ 4000 đến 6000 mét trên toàn thế giới, hầu hết chúng được hình thành cách đây hơn 3 triệu năm. Chúng thường chứa nhiều nicken, coban, mangan và một số kim loại đất hiếm khác.

- Các sunfua đa kim được tìm thấy chủ yếu dọc theo các sống núi ngầm giữa đại dương ở độ sâu khoảng 900 mét đến 4000 mét. Kim loại thường có thuộc sunfua đa kim là đồng, vàng và bạc.

- Vỉa Ferro mangan giàu coban xuất hiện ở độ sâu nông hơn từ 400m đến khoảng 5.000 mét ở những khu vực có hoạt động núi lửa đáng kể. Kim loại được tìm thấy trong các lớp vỏ này bao gồm coban, niken, đồng, bạch kim, vonfram và các nguyên tố đất hiếm.

Hiện nay, việc khai thác dưới biển được quản lý bởi Cơ quan Đáy biển Quốc tế (ISA), thành lập vào năm 1994. Các chính phủ và các thực thể thương mại phải nộp đơn xin quyền khám phá các vùng đáy biển để thăm dò ban đầu và sau đó là khai thác thương mại.

Một điều đáng chú ý là, vắng mặt trong danh sách các bên tham gia UNCLOS là Mỹ, quốc gia có Thượng viện vẫn chưa phê chuẩn hiệp ước. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không thể tham gia khai thác dưới biển sâu hoặc các chuyến thám hiểm cần thiết để chuẩn bị cho việc đó.
Trung Quốc vừa hoàn thành hải trình Đại Tây Dương, 'đánh thức' kho báu khổng lồ nghìn tỷ đô - Mỹ lo ngại- Ảnh 5.

John Negroponte - cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ - trả lời phỏng vấn trong 60 Minutes của CBS News. Ảnh: CBS NEWS

John Negroponte, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cho biết trong cuộc phỏng vấn thuộc chương trình 60 Minutes chủ đề "Tại sao Mỹ chưa tham gia cuộc đua khai thác biển sâu ở vùng biển quốc tế?" của CBS News hồi tháng 3/2024 rằng: "Nếu chúng tôi không ngồi vào bàn đàm phán và không phải là thành viên của Cơ quan Đáy biển Quốc tế (ISA), chúng tôi sẽ không có tiếng nói trong việc viết ra các hướng dẫn về môi trường cho việc khai thác dưới đáy biển sâu".

Ông John Negroponte là một trong số các đảng viên Cộng hòa cấp cao kêu gọi Thượng viện Mỹ xem xét lại và phê chuẩn hiệp ước.

Những người khác lo ngại rằng hoạt động thăm dò biển của Trung Quốc có thể giúp nước này có lợi thế về thông tin đại dương.

Trung Quốc vừa hoàn thành hải trình Đại Tây Dương, 'đánh thức' kho báu khổng lồ nghìn tỷ đô - Mỹ lo ngại- Ảnh 6.

Thomas Shugart trả lời phỏng vấn với CBS News trong 60 Minutes. Ảnh: CBS News

"Nếu bạn định tìm tàu ngầm dưới đại dương, bạn cần biết đáy trông như thế nào. Bạn cần biết nhiệt độ là bao nhiêu. Bạn cần biết độ mặn là gì" - Thomas Shugart, cựu thủy thủ tàu ngầm của Hải quân Mỹ và là thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ (CNAS), nói trong 60 Minutes.

"Nếu Trung Quốc đang sử dụng các tàu dân sự để lén lút thực hiện những cuộc khảo sát đó, thì lợi thế về thông tin đại dương sẽ được cải thiện. Từ đó cung cấp cho nước này khả năng tìm thấy tàu ngầm của Mỹ và Đồng minh theo thời gian khi họ hiểu rõ hơn về môi trường dưới đáy biển" - Thomas Shugart cho biết thêm.

Theo Guanhai News, dữ liệu được thu thập trong chuyến thám hiểm đại dương mới nhất của Trung Quốc có thể giúp lấp đầy khoảng trống nghiên cứu về Đại Tây Dương và cung cấp cái nhìn sâu sắc về môi trường thủy nhiệt.

"Thông qua chuyến thám hiểm này, năng lực kỹ thuật lăn biển sâu của chúng tôi đã được kiểm chứng đầy đủ" - Sun Yongfu, nhà khoa học trưởng của đoàn thám hiểm đại dương đã nói vậy.

Tham khảo: SCMP, Viện Hải quân Mỹ, CBS News

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại