Trung Quốc với tham vọng trở thành trung tâm ứng dụng robot toàn cầu

Thái Bình |

Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra những đột phá lớn trong các công nghệ robot cốt lõi vào năm 2025, tham vọng trở thành trung tâm đổi mới ứng dụng và công nghệ robot toàn cầu.

Từ chủ trương và tầm nhìn của chính phủ mà các các công ty đang tập trung cạnh tranh trong sản xuất các hệ điều hành robot , thuật toán AI, chip để đưa robot vào ứng dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực đời sống.

Tại một bệnh viện cộng đồng ở Thượng Hải, các robot y tế được trang bị nhiều tại các khoa phục hồi chức năng, kể cả tại khoa khám bệnh để hỗ trợ bác sĩ ra các quyết định điều trị phù hợp.

Bà Châu Nhuệ Hoa thường xuyên đến đây với người máy để phục hồi chức năng chân bị gãy năm ngoái.

"Có nhiều chế độ khác nhau trên robot y tế này. Tôi có thể vận động vai phải khi di chuyển ngay với sự hỗ trợ của máy, giống như đang chơi game. Tôi nghĩ nó thực sự hữu ích" - bà Châu Nhuệ Hoa chia sẻ.

Những robot y tế được thiết kế và sản xuất bởi công ty Fourier Intelligence tại Thượng Hải và xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia. Nằm trong chiến lược khuyến khích đưa công nghệ AI, robot mạnh mẽ vào ngành y tế nên đây là mảnh đất màu mỡ để các công ty nắm bắt cơ hội lớn này.

"Chúng tôi tăng cường đầu tư vào công nghệ cơ bản của robot, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như lĩnh vực phục hồi chức năng và y tế để cung cấp các dịch vụ được thiết kế riêng" - ông Cổ Kiệt, Giám đốc điều hành Fourier Intelligence, cho biết.

Hiện nay, cứ 10 nghìn nhân viên sản xuất, có 246 robot, gần gấp đôi mức trung bình của thế giới. Đối với ngành công nghiệp chế tạo robot, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm dự kiến hơn 20% từ 2025 trở đi.

Trung Quốc đặt mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa mức độ tự động hóa trong bối cảnh giá nhân công cao, thiếu nhân lực do già hóa dân số. Với ngành thương mại điện tử, việc đưa người máy vào các công đoạn sản xuất cũng như phân loại, vận chuyển hàng hóa góp phần giúp hạ giá thành hàng hóa đáng kể, nâng cao sức cạnh tranh.

"Hàng hóa vận chuyển nhanh. Thông qua tự động hóa, số hóa nên rất tiện lợi và tiết kiệm nhân lực, tiền bạc đáng kể vì mình định vị được lô hàng đó đang ở đâu, tình trạng ra sao" - ông Diêu Hướng Đông, Công ty may mặc Baisideng, cho biết.

Trung Quốc ngày càng đầu tư mạnh tự động hóa ở nhiều khâu vận chuyển. Chính điều này đã làm cho giá thành vận chuyển ngày càng thấp đi nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng như thị trường thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại