Trung Quốc “vô tình” đẩy châu Âu ra xa trong đại dịch Covid-19

Kiều Anh |

2020 vốn được cho là năm ngoại giao EU-Trung Quốc nhưng đại dịch Covid-19 có thể khiến đây là khoảnh khắc mà mối quan hệ 2 bên cần được “suy nghĩ lại”.

Trung Quốc đã mất châu Âu”

2020 được cho là năm ngoại giao của Trung Quốc và EU với một loạt các Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao được lên kế hoạch trong chuyến thăm Đức vào mùa thu này của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến việc diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh trên ngày càng không chắc chắn và khoét sâu thêm những rạn nứt vốn đã tồn tại giữa Trung Quốc và EU.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã tuyên bố Vương quốc Anh sẽ không còn "làm ăn bình thường" với Trung Quốc nữa sau đại dịch Covid-19. Quan điểm này đã được hưởng ứng sau khi các chính trị gia cấp cao trong Đảng Bảo thủ viết một thư ngỏ gửi tới Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi "suy nghĩ lại" về quan hệ Anh - Trung Quốc.

Tháng 4/2020, Thụy Điển đóng cửa tất cả Học viện Khổng Tử - các trung tâm văn hóa và ngôn ngữ của Trung Quốc tại nước này và là quốc gia đầu tiên tại châu Âu có động thái như vậy. Trong khi đó, một số thành phố Thụy Điển cũng đã chấm dứt các thỏa thuận "thành phố kết nghĩa" với các thành phố của Trung Quốc, trong đó bao gồm cả mối quan hệ giữa thành phố lớn thứ 2 nước này là Gothenburg với Thượng Hải.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết đầu tháng 4/2020 rằng sẽ có một sự phân chia giữa thời điểm "trước khi" và "sau khi" đại dịch Covid-19 diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu.

Ông khẳng định: "Chúng ta phải giảm sự phụ thuộc vào một số đối tác lớn, đặc biệt là Trung Quốc về việc cung cấp một số sản phẩm nhất định" và "tăng cường khả năng độc lập tối đa của chúng ta trong chuỗi giá trị chiến lược".

Giám đốc Chương trình châu Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế Erik Brattberg nhận định với Newsweek rằng: "Cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ ngày càng thúc đầy thái độ hoài nghi với Trung Quốc. Mối quan hệ ngày càng gia tăng căng thẳng giữa EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp".

Một số quốc gia phương Tây đặt câu hỏi về số ca mắc cũng như số ca tử vong chính thức vì Covid-19 ở Trung Quốc, đồng thời cáo buộc nước này thiếu minh bạch và không cảnh báo sớm về dịch bệnh. Những quốc gia châu Âu khác cũng đã gửi trả những lô hàng thiết bị y tế bị lỗi hoặc kém chất lượng mà Trung Quốc cung cấp cho họ để hỗ trợ chống dịch. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times rằng "rõ ràng có những điều đã xảy ra mà chúng tôi không biết" về Trung Quốc.

"Trong những tháng này, Trung Quốc đã mất châu Âu", Reinhard Buetikofer, một nghị sĩ trong đảng Xanh ở Đức, từng giữ vai trò chủ tịch phái đoàn của Nghị viện châu Âu phụ trách quan hệ với Trung Quốc nhận định với truyền thông đầu tháng 4/2020.

Châu Âu “chia 5 xẻ 7” trong quan hệ với Trung Quốc

Dù vậy, không phải tất cả các nước châu Âu đều hoài nghi và căng thẳng với Trung Quốc. Điều đó khiến cho các nước EU đang ngày càng chia rẽ trong mối quan hệ với Bắc Kinh.

Theo South China Morning Post, một nghiên cứu dựa trên phân tích vai trò của Trung Quốc đối với việc xử lý khủng hoảng Covid-19 tại 19 nước châu Âu đã cho thấy châu Âu phần lớn chia rẽ về hướng quan hệ với Bắc Kinh. Tổng cộng 28 chuyên gia đến từ 21 tổ chức nghiên cứu khắp châu Âu, còn được gọi là Mạng lưới các tổ chức nghiên cứu ở châu Âu về Trung Quốc, đã tham gia nghiên cứu này.

Nhà quan sát John Seaman, chủ nhiệm báo cáo trên và là một học giả nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận định, cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra vào thời điểm mối quan hệ Trung Quốc - EU vốn chủ yếu tập trung vào thương mại nay lại diễn biến ngày càng phức tạp và cạnh tranh hơn sau khi Ủy ban châu Âu lần đầu tiên tuyên bố vào năm ngoái rằng Bắc Kinh là một đối thủ cạnh tranh có tính hệ thống.

"Những cuộc tranh luận về việc cần có chiến lược toàn diện hơn với Trung Quốc đang diễn ra khắp châu Âu. Ở nhiều khía cạnh, cuộc khủng hoảng hiện nay đã trở thành một chất xúc tác đối với các xu hướng đang định hình quan hệ EU - Trung Quốc trong những năm gần đây và trong những cách khác, cũng làm xoay chuyển tình thế", chuyên gia Seaman cho biết.

"Việc này đồng thời mang châu Âu và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nhưng cũng đẩy 2 bên ra xa nhau hơn và dường như đang có những rạn nứt trong lòng châu Âu về một hướng chiến lược nhằm đối phó với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc".

Một số quốc gia châu Âu, trong đó có Thụy Điển, Anh đã tham gia cùng với Mỹ và Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế đối với việc Trung Quốc xử lý đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng gây sức ép yêu cầu Bắc Kinh minh bạch hơn về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Báo cáo của các tổ chức nghiên cứu ở châu Âu nhận định: "Trong khi chiến lược ngoại giao công khai ngày càng chủ động của Trung Quốc diễn ra rộng khắp thì dường như có một mức độ nhất quán tương đối trong việc truyền đi thông điệp, có sự đa dạng trong các phương thức từ mức độ thấp (chẳng hạn với Latvia hoặc Romania) cho tới "tấn công quyến rũ" (với Ba Lan, Bồ Đào Nha, Italy hoặc Tây Ban Nha) và khiêu khích hoặc gây hấn (như với Thụy Điển, Đức và Pháp)".

Báo cáo này cũng xem xét tới chính sách "ngoại giao khẩu trang" cũng như viện trợ y tế mà Trung Quốc quảng bá rộng rãi và nhận thấy "mối tương quan giữa các công ty Trung Quốc có những lợi ích thương mại trong nước với những khoản quyên góp từ các công ty này" tại nhưng nước như: Hy Lạp, Hungary, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Giữa bối cảnh người đứng đầu về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cảnh báo về cuộc chơi địa chính trị của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng qua việc lý tưởng hóa thực tế và các chiến lược hào phóng, các quốc gia như Đức và Thụy Điển đã có các động thái thắt chặt kiểm tra đầu tư, 5G và các chích sách công nghiệp nhắm vào các công ty Trung Quốc.

Báo cáo của các nhà nghiên cứu châu Âu cũng chỉ ra rằng các hành động của Trung Quốc với châu Âu trong thời điểm khủng hoảng dường như đang khoét sâu những chia rẽ trên khắp châu lục này và đặt ra câu hỏi về việc cần có một chiến lược toàn diện của EU với Trung Quốc.

Một cuộc bỏ khảo sát với hơn 12.000 người tham gia khắp 28 nước thành viên EU vào tháng 9 năm ngoái do think tank Bertelsmann Stiftung của Đức tiến hành đã cho thấy 45% người châu Âu coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh và chỉ có 9% cho rằng các nước EU chia sẻ cùng lợi ích chính trị hoặc các giá trị với Trung Quốc.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát khác với 16 quốc gia châu Âu do Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố vào tháng 12 cũng cho thấy châu Âu vẫn chia rẽ sâu sắc trong hướng quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù Châu Âu có chung những mối lo ngại với Mỹ về Trung Quốc nhưng cách phản ứng của các nước trên châu lục này có phần khác so với đồng minh bên kia Đại Tây Dương của mình.

"Tôi nghĩ châu Âu ngần ngại khi phải tự đặt mình vào vị trí chọn Mỹ hay Trung Quốc. Họ muốn tiếp tục có một mối quan hệ về an ninh và kinh tế mạnh mẽ với Washington nhưng cũng muốn tiếp tục các hoạt động thương mại với Trung Quốc", chuyên gia Brattberg nhận định./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại