Theo dự đoán, mưa lớn sẽ di chuyển về phía Bắc và sông Hoài cùng những con sông khác ở phía Bắc nhiều khả năng hứng chịu những trận lũ nghiêm trọng ở một số khu vực nhất định" - Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Ye Jianchun cho biết hôm 13-7.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc Zheng Guoguang cho biết cảnh báo lũ đã được ban bố đối với 433 con sông khắp nước kể từ tháng 6, trong đó có 33 sông có mực nước dâng cao chưa từng thấy. Cũng theo ông Zheng, mưa lũ đã cướp đi sinh mạng của 141 người, gây ảnh hưởng đến đời sống của hơn 38 triệu cư dân tại 27 tỉnh và gây thiệt hại kinh tế lên đến hơn 61 tỉ nhân dân tệ.
Theo báo The Guardian (Anh), đợt mưa lũ thất thường lần này cũng đã đẩy hàng triệu người dân Trung Quốc vào tình trạng vô gia cư. Nhiều người đang lo sợ họ có thể phải đối mặt với thảm họa lũ lụt từng khiến hơn 3.000 người thiệt mạng vào năm 1998.
Giới chức tỉnh Giang Tây - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất - đã ban bố các biện pháp chống lũ "thời chiến" sau khi nước hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất nước, dâng lên mức cao kỷ lục 22,53 m. Hơn 400.000 người tại tỉnh Giang Tây đã được sơ tán để tránh lũ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 12-7 hối thúc chính quyền địa phương triển khai các biện pháp hiệu quả và quyết liệt hơn để chống lũ. Động thái này nêu bật mức độ nghiêm trọng của tình hình mưa lũ tại Trung Quốc lúc này. Hàng ngàn binh sĩ đã được triển khai đến sông Dương Tử để đắp đê và đào kênh thoát nước. Chính phủ Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch sơ tán người dân ra khỏi những khu vực dễ bị lũ tấn công.
Theo trang Bloomberg, giới chức Trung Quốc đang chịu sức ép để bảo đảm lũ lụt không hủy hoại tiến trình phục hồi kinh tế của đất nước sau thời gian bị trúng đòn đại dịch Covid-19. Ưu tiên của Trung Quốc lúc này là theo dõi sát sao những con đập ở hạ nguồn sông Dương Tử và hồ Thái Hồ, cũng như những khu vực nguy hiểm. Theo hãng tin AP, khu vực sông Dương Tử tính đến thời điểm hiện tại đã hứng chịu lượng mưa cao thứ hai kể từ năm 1961.