Trung Quốc vẫn luôn khiến chúng ta bất ngờ: Cách họ vượt nghịch cảnh quả thực ít quốc gia nào sánh được

Mạnh Kiên |

Bất chấp việc Mỹ đưa ra các biện pháp nhằm kìm hãm năng lực công nghệ Trung Quốc phát triển, quốc gia tỷ dân vẫn đạt được thành tựu. Tất cả nhờ vào một bí quyết.

Cuộc chiến công nghệ mà Mỹ khởi xướng chống lại Trung Quốc có nguy cơ phản tác dụng, đồng thời thúc đẩy quốc gia tỷ dân tạo ra ngành công nghiệp chip máy tính độc lập có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất Mỹ, theo The Conversation.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp dụng các biện pháp hạn chế để ngăn chặn các nhà sản xuất chip của Mỹ và đồng minh bán những sản phẩm tiên tiến nhất cho Trung Quốc.

Những hạn chế này nhằm mục đích không cho phép quân đội Trung Quốc phát triển các loại vũ khí tinh vi hơn.

Tuy nhiên, quân đội nước này sử dụng rất ít chip công nghệ cao. Cuộc chiến công nghệ mà Mỹ tiến hành dường như được thiết kế để làm tê liệt sự phát triển công nghệ tổng thể của Trung Quốc và nói rộng ra là sự tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế của nước này.

Trung Quốc vẫn luôn khiến chúng ta bất ngờ: Cách họ vượt nghịch cảnh quả thực ít quốc gia nào sánh được- Ảnh 1.

Lời cảnh tỉnh cho Mỹ

The Conversation cho rằng, những nỗ lực nhằm làm tê liệt công ty viễn thông Trung Quốc Huawei có thể là một câu chuyện cảnh báo đối với Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt công nghệ của Mỹ đã gây tổn hại cho Huawei và vai trò của công ty với tư cách là nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới, nhưng tập đoàn công nghệ này đã chuyển đổi thành công sang vai trò công ty chuyên về điện toán đám mây.

Huawei cũng tái gia nhập thị trường điện thoại di động, giới thiệu điện thoại Mate 60 có chip 7 nanomet do Trung Quốc thiết kế và sản xuất.

Các hạn chế về công nghệ của Mỹ nhằm mục đích khiến Trung Quốc mắc kẹt trong tiến trình không quá 14 nanomet - khiến nước này chậm hơn công nghệ Mỹ ít nhất 8 đến 10 năm – đã không thành công.

Gần đây, Huawei còn giới thiệu khả năng phát triển chip 5 nanomet, tiếp tục thu hẹp khoảng cách với phương Tây.

Trước đó, các nhà quan sát phương Tây đã lập luận rằng việc sản xuất vi mạch cao cấp cần có sự hợp tác quốc tế.

ASML của Hà Lan là công ty duy nhất có thiết bị in thạch bản tiên tiến cần thiết để sản xuất chip 3 nanomet. ASML đã chế tạo chiếc máy này bằng cách sử dụng công nghệ từ khoảng bảy quốc gia khác và mất 20 năm để có mặt trên thị trường.

Vì vậy, Trung Quốc khó có thể thành công nếu chỉ dựa vào chính mình để tạo dựng năng lực độc lập.

Tuy nhiên, kiến thức cơ bản về cách hoạt động của kỹ thuật in thạch bản đã trở nên phổ biến. Trung Quốc đã đẩy thiết bị ASML hiện có vượt quá khả năng ban đầu và đang đi tiên phong trong cách tiếp cận đổi mới đối với kỹ thuật in thạch bản có thể giúp nước này sản xuất hàng loạt chip bán dẫn cao cấp trong tương lai.

Trung Quốc vẫn luôn khiến chúng ta bất ngờ: Cách họ vượt nghịch cảnh quả thực ít quốc gia nào sánh được- Ảnh 2.

Sức mạnh giáo dục Trung Quốc

Giải thích cho thành công này, tờ The Conversation cho rằng yếu tố quan trọng nhất đến từ kiến thức khoa học không bị giới hạn và Trung Quốc đã đạt được những thành tựu phi thường trong hệ thống giáo dục trong nước.

Những thành tựu này có thể kể đến như:

Học sinh trung học Trung Quốc ở bốn tỉnh lớn có điểm số cao nhất thế giới về môn đọc, khoa học và toán. Theo Time Higher Education, các trường đại học Trung Quốc cũng đang "vượt trội so với ở phần còn lại của thế giới trong phần lớn các ngành học".

U.S. News & World Report đã xếp hạng 6 trong số 10 trường kỹ thuật hàng đầu thế giới (và 11 trong số 20) là những trường của Trung Quốc, cùng với Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nằm tại vị trí đầu tiên. Chỉ có hai trong số 10 trường đứng đầu đến từ Mỹ.

Trung Quốc cũng dự kiến sẽ đào tạo ra 77.000 sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) vào năm 2025, nhiều hơn gấp đôi so với Mỹ.

Trung Quốc đã phải đón nhận định kiến rằng nước này không thể đổi mới. Nhưng vào năm 2022, Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xuất bản nhiều bài báo nghiên cứu nhất trên các tạp chí khoa học tự nhiên có uy tín.

Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách này một cách nhanh chóng với số lượng đáng kể, tăng tỷ lệ bài báo khoa học lên 21% kể từ năm 2021 và 152% kể từ năm 2016.

Theo Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc xuất bản số lượng tài liệu nghiên cứu khoa học hàng năm cao nhất từ năm 2018 đến năm 2020, và có 27,2% bài báo được trích dẫn thường xuyên nhất thế giới, so với 24,9% của Mỹ.

Một cuộc khảo sát do Viện Chính sách Chiến lược Australia thực hiện đã xác định rằng Trung Quốc đang dẫn đầu về 37 trong số 44 công nghệ tiên tiến, bao gồm cả vật liệu nano và sinh học tổng hợp. Trung Quốc cũng sử dụng robot công nghiệp với tỷ lệ gấp 12 lần so với Mỹ.

Có thể thấy, Trung Quốc không phải là một quốc gia có thể bị kiềm chế bằng việc cách ly khỏi thế giới công nghệ. Khi nói đến sử dụng và sản xuất các ngành công nghiệp dựa trên chất xám, Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Hành động của Mỹ sẽ tạo ra một thế hệ mới các công ty công nghệ cao của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây mà họ từng một thời phải mua sản phẩm,

Các công ty này sẽ sản xuất những sản phẩm có giá cả phải chăng hơn so với các đối tác phương Tây và có thể thống trị cơ sở hạ tầng công nghệ ở các quốc gia đang phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại