Theo RT, tổ máy phát điện đầu tiên của nhà máy thủy điện Ô Đông Đức đã chính thức đi vào hoạt động hôm 29/6.
Ô Đông Đức hiện là nhà máy thủy điện lớn thứ 7 trên thế giới và lớn thứ 4 tại Trung Quốc. Buổi lễ kỷ niệm ngày tổ máy phát điện đầu tiên của Ô Đông Đức đi vào hoạt động có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Được mệnh danh là nhà máy thủy điện “thông minh nhất” thế giới, Ô Đông Đức nằm ở biên giới tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam thuộc phía tây nam Trung Quốc. Nhà máy được xây dựng từ những công nghệ thông minh và hiện đại nhất.
Đáng nói, Ô Đông Đức là đập thủy điện đầu tiên trên thế giới sử dụng toàn bộ xi măng ít tỏa nhiệt với khả năng chịu được nhiều mức chênh lệch nhiệt độ. Trong khi đó, sự chênh lệch nhiệt độ được cho là nguyên nhân gây nứt vỡ xi măng và đe dọa tới độ an toàn của con đập. Đây cũng là vấn đề kỹ thuật mà các nhà máy thủy điện trên thế giới hay gặp phải.
Ô Đông Đức được thiết kế như một đập nước với chiều cao tối đa là 270 m. Với chiều cao 270 m, Ô Đông Đức còn cao hơn dự án nhà máy thủy điện đập Tam Hiệp 181 m.
Ngoài ra, lòng đập chỉ dày 51 m, trong khi lòng đập mỏng nhất của một nhà máy thủy điện trên thế giới hiện là 300 m. Với lớp bê tông “mỏng”, khả năng tích trữ nước của con đập được tăng thêm và đạt gần 7,4 tỉ m3.
Dự án nhà máy thủy điện Ô Đông Đức được khởi công từ năm 2015. Theo Tân Hoa Xã, tổng chi phí đầu tư cho dự án lên đến 120 tỉ nhân dân tệ (16,95 tỉ USD).
Khi 12 tổ máy đi vào hoạt động, nhà máy thủy điện Ô Đông Đức sẽ tạo ra 38,9 tỉ kilowatt điện hàng năm. Theo kế hoạch, nhà máy hoàn tất và vận hành hết công suất sau nửa đầu năm 2021.
Với công suất 38,9 tỉ kilowatt điện/năm, nhà máy Ô Đông Đức giúp tiết kiệm 12,2 triệu tấn than và giảm lượng phát thải khí CO2 và SO2 ra môi trường lần lượt là 30,5 triệu tấn và 104.000 tấn mỗi năm.
Đặt trên sông Kim Sa, Ô Đông Đức là một trong siêu đập thủy điện thuộc dự án phát triển Vành đai kinh tế sông Trường Giang cùng với các nhà máy điện Tam Hiệp, Bạch Hạc Than và Khê Lạc Độ.