Trung Quốc và Nga đang 'vượt mặt' Mỹ ở châu Phi

Vũ Thanh |

Mỹ thực sự có thể phải chấp nhận đòn bẩy hạn chế của mình đối với châu Phi. Đó rõ ràng là dấu hiệu thời đại rằng Mỹ không còn là cường quốc thống trị và sẽ phải chấp nhận một trật tự thế giới đa cực.

Trung Quốc và Nga đang 'vượt mặt' Mỹ ở châu Phi- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp CH Chad Abderaman Koulamallah trong cuộc họp báo ở N'Djamena ngày 5/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định mới đây của Jonathan Fenton-Harvey, nhà nghiên cứu tập trung vào xung đột và địa chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, chủ yếu liên quan đến khu vực vùng Vịnh, nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên của Joe Biden gặp nhiều thách thức. Điều đó bao gồm việc biện minh cho sự ủng hộ đối với cuộc tấn công dữ dội của Israel vào Gaza và quản lý những căng thẳng tiếp theo trong khu vực, chưa nói đến cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự đối đầu với Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trọng tâm của Tổng thống Biden cũng đã củng cố nhận thức lâu đời rằng Mỹ không quan tâm đến châu Phi. Và dưới thời của ông, những bước đi sai lầm chiến lược đã cho phép Nga và Trung Quốc củng cố chỗ đứng của họ trên lục địa này và tận dụng sự dịch chuyển của châu Phi.

Năm nay, Washington phải đối mặt với một đòn giáng chiến lược ở Đông Phi. Sau khi chính quyền quân sự tiếp quản vào tháng 7/2023, Niger hiện đã chấm dứt hợp tác quân sự với Mỹ, bao gồm cả việc sử dụng cơ sở máy bay không người lái, và quân đội Mỹ sẽ rút vào tháng 9 tới. Điều đó cho thấy phản ứng dữ dội chống lại sự hiện diện quân sự của phương Tây ở Sahel.

Trước sự thất vọng của Washington, Nga đã vào cuộc để lấp đầy khoảng trống. Vào tháng 4 vừa qua, các cố vấn quân sự Nga đã tới Niger để huấn luyện quân đội nước này cách sử dụng các hệ thống phòng không tiên tiến. Tới tháng 5, lực lượng Nga đã chuyển đến một cơ sở gần căn cứ của Mỹ. Hành động của Niger cho thấy một số quốc gia trong khu vực có thể bị Washington gây áp lực và hiện đang tìm kiếm đối tác mới, trong đó Nga và Trung Quốc.

Đòn bẩy suy yếu

Bên cạnh mối quan hệ ngày càng xấu đi với những người cầm quyền quân sự mới của Niger, Washington cũng đang gặp khó khăn để có được ảnh hưởng đáng kể ở Sudan, nơi cuộc chiến tàn khốc kể từ tháng 4/2023 tiếp tục chia cắt đất nước này.

Bất chấp những lời đe doạ từ các thượng nghị sĩ Mỹ nhằm trừng phạt các phe phái tham chiến như Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), liên kết với Nga, Washington vẫn gặp khó khăn trong việc kiềm chế họ.

Nhiều người, ít nhất là thường dân Sudan, từng cảm thấy lẽ ra Mỹ có thể làm nhiều hơn để ngăn chặn cuộc đối đầu giữa các nhà lãnh đạo quân sự, vốn dẫn đến sự bùng nổ giao tranh. Suy cho cùng, chính Mỹ đã môi giới cho một chính phủ đoàn kết giữa các phe phái quân sự và dân sự sau cuộc cách mạng năm 2019 chống lại chế độ Omar al-Bashir. Nhìn lại, Niger và Sudan có thể được coi là mô hình thu nhỏ của những thất bại rộng lớn hơn của Mỹ.

Trong một thời gian dài, Mỹ đã dựa vào sự hiện diện quân sự mạnh mẽ để đảm bảo ảnh hưởng của mình, đặc biệt là nhìn châu Phi qua lăng kính chống khủng bố. Đổi lại, Mỹ đã bỏ qua việc đầu tư thực sự vào sự ổn định và phát triển của châu lục. Nhưng điều quan trọng nhất là nước này đã thất bại trong việc sử dụng công cụ ngoại giao ở châu Phi.

Thật vậy, chuyến thăm của Tổng thống Kenya William Ruto đến Mỹ vào tháng 4 vừa qua là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo châu Phi tới Mỹ kể từ năm 2008. Và mặc dù Tổng thống Biden chủ trì Hội nghị thượng đỉnh châu Phi vào năm 2022, nhưng ông đã không thực hiện chuyến thăm châu Phi được đề xuất vào năm 2023.

Trung Quốc và Nga đang 'vượt mặt' Mỹ ở châu Phi- Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi duyệt đội danh dự tại lễ đón ở Bắc Kinh, ngày 29/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga

Cùng với những thiếu sót ngoại giao trên, Mỹ cũng đang thất thế trước Trung Quốc về quan hệ đối tác kinh tế với các quốc gia châu Phi, tạo ra một thách thức khác đối với ảnh hưởng lâu dài của Washington. Là "gã khổng lồ" sản xuất hàng hóa giá rẻ, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia châu Phi, dần thay thế Mỹ trong hai thập kỷ qua.

Ngược lại với cách tiếp cận rời rạc của Mỹ, Trung Quốc đã theo đuổi một chiến lược lâu dài và toàn diện, bao gồm các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng dân sự và chính phủ, với các quốc gia như Ethiopia, Zambia và Angola là những đối tượng chính.

Nhiều quốc gia châu Phi được cho là đã coi cách tiếp cận không ràng buộc của Trung Quốc hấp dẫn hơn các khoản vay từ các tổ chức tài chính có trụ sở tại Mỹ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới. Các tổ chức này đã cung cấp các khoản vay trong khi yêu cầu cải cách như tư nhân hóa và chủ nghĩa tự do tài chính, đồng thời bị chỉ trích là xâm phạm chủ quyền quốc gia và phục vụ lợi ích của Mỹ.

Sự thống trị kinh tế của Trung Quốc đã bảo đảm cho nước này có thêm nhiều đồng minh trên lục địa. Ít nhất ở cấp độ xã hội dân sự, Trung Quốc đã trở nên nổi tiếng hơn Mỹ đối với người châu Phi vào năm 2023, theo Gallup, khi sự hài lòng đối với Mỹ đã giảm dần kể từ năm 2008.

Về phần Nga, mặc dù bị sa lầy nặng nề trong cuộc xung đột ở Ukraine, Moskva đã mở rộng dấu ấn quân sự ở châu Phi thông qua Quân đoàn châu Phi, được đổi tên từ Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner. Lực lượng này đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ không chỉ với chính quyền quân sự của Niger và RSF của Sudan, mà nhân viên của họ cũng đã hoạt động ở CH Trung Phi và Libya – gióng lên hồi chuông cảnh báo ở châu Âu.

Triển vọng dài hạn ở châu Phi

Cuối cùng, những làn sóng địa chính trị đang thay đổi này chắc chắn sẽ là cơ hội cho Nga và Trung Quốc, không chỉ về mặt chính trị mà còn giúp họ tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị. Tuy nhiên, nguồn lực quân sự hạn chế của Nga và sự dè dặt của Trung Quốc trong việc tham gia vào các vấn đề của khu vực đã đặt ra dấu hỏi về việc liệu họ có thể mang lại sự ổn định lâu dài hay không.

Trong khi Nga và Trung Quốc đang thay thế Mỹ một cách trực tiếp, các cường quốc tầm trung ở Tây Á cũng đang tìm cách hưởng lợi. Ví dụ, Iran đã hợp tác với chính quyền quân sự Niger để làm giàu uranium và cung cấp máy bay không người lái cho lực lượng vũ trang Sudan. Tương tự, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang nổi lên như một cường quốc có ảnh hưởng ở Đông Phi, đã liên kết với Nga ở Sudan.

Bất chấp sự phát hiện của Washington đối với trật tự mới này, có thể đã quá muộn để thay đổi mọi thứ. Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden chỉ tham gia vào một số hoạt động ngoại giao hạn chế, nhưng Mỹ cũng đã tăng khoản đầu tư vào khu vực lên 14,2 tỷ USD vào cuối năm ngoái, trong nỗ lực chống lại sự thống trị kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Washington thực sự có thể phải chấp nhận đòn bẩy hạn chế của mình đối với châu Phi. Đó rõ ràng là dấu hiệu của thời đại rằng Mỹ không còn là cường quốc thống trị và sẽ phải chấp nhận một trật tự thế giới đa cực đang hình thành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại