Công bố trực tuyến trên tạp chí khoa học quốc tế Reasearch in Astronomy and Astrophysics, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết thông qua việc quan sát các sao xung, họ đã tìm ra bằng chứng quan trọng về sự tồn tại của sóng hấp dẫn nanohertz.
Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500 m (FAST) đặt tại tỉnh Quý Châu - Trung Quốc - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Sóng hấp dẫn nanohertz đã được biết đến về mặt lý thuyết nhưng việc trực tiếp nắm bắt được nó rất khó khăn. Nó có tần số cực thấp, bước sóng lên tới vài năm ánh sáng.
FAST là một kính viễn vọng vô tuyến thuộc nhóm mạnh nhất thế giới, có thể quan sát trong thời gian dài các vật thể "khó nhằn" nhất như sao xung mili giây, một dạng sao neutron - xác chết của các ngôi sao khổng lồ - hoạt động cực mạnh, chu kỳ quay chỉ 1-10 mili giây.
Theo CGTN, tận dụng độ nhạy cao của FAST, các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Đài quan sát Thiên văn quốc gia Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (NAOC) thuộc dự án Mảng thời gian sao xung Trung Quốc (CPTA) đã theo dõi các sao xung 57 phần ngàn giây với nhịp đều đặn trong 41 tháng.
Cuộc theo dõi này đã vô tình làm lộ ra các dấu hiệu tương thích với tín hiệu "huyền thoại" được gọi là sóng hấp dẫn nanohertz, với xác suất báo động sai chỉ 2 phần triệu.
"Sóng hấp dẫn nanohertz mở ra một cửa sổ quan trọng để con người quan sát vũ trụ, chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều khám phá lớn trong vật lý" - Giám đốc NAOC Chang Jin khẳng định.
Ông Chang Jin cho biết phát hiện này sẽ được ứng dụng trong việc nghiên cứu các vật thể siêu lớn trong vũ trụ, bao gồm lỗ đen "quái vật", sự hình thành - tiến hóa - sáp nhập của các thiên hà, cấu trúc của vũ trụ sơ khai...