Trong ngày 3/7, mực nước tại khu vực Giang Tô - nơi dòng sông Dương Tử dài nhất Trung Quốc chảy qua - tiếp tục dâng cao do lượng nước từ thượng nguồn đổ về cùng với những cơn mưa dai dẳng. Thủ phủ Nam Kinh của tỉnh Giang Tô đã ban hành cảnh báo lũ lụt cấp độ cao thứ 2. Đồng thời, chính quyền địa phương cấm các loại tàu thuyền khác nhau - trong đó có phà chở khách - hoạt động trên đoạn sông thuộc địa phận Giang Tô.
Trước đó một ngày, Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết mực nước tại các đoạn trung và hạ lưu sông Dương Tử đã vượt quá mức báo động. Mực nước tại hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây - nơi chính quyền đã nâng mức ứng phó khẩn cấp với lũ lụt lên mức 2 kể từ tối 2/7 - cũng đang được theo dõi chặt chẽ. Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc này đã ghi nhận mực nước cao nhất 22,6 mét vào tháng 7/2020.
Mực nước sông Dương Tử đoạn chảy qua thành phố An Khánh, tỉnh An Huy, Trung Quốc dâng cao sau mưa lớn vào ngày 2/7/2024 (Ảnh: THX/TTXVN)
Mưa lớn đã trút xuống các vùng thuộc tỉnh Hồ Nam - miền Trung Trung Quốc - vào đầu tuần này, khiến mực nước sông Mịch La ở huyện Bình Giang đạt mức cao nhất trong 70 năm qua. Chính quyền địa phương tỉnh Hồ Nam đã kích hoạt mức độ ứng phó khẩn cấp lên mức cao nhất. Truyền thông nhà nước đưa tin nhiều khu vực trong thị trấn bị ngập úng cùng cảnh người dân mắc kẹt được giải cứu bằng thuyền.
Mưa lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của khoảng 340.000 người dân Trung Quốc, trong khi các doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại. Một nhà máy sản xuất thực phẩm cho biết buộc phải đóng cửa trong 5 ngày do bị mất nước, giao thông đình trệ và đường dây liên lạc bị gián đoạn.
Dự báo thời tiết cho biết lượng mưa tại các khu vực miền Nam dự kiến sẽ giảm dần và nhiệt độ có thể ấm lên khi những đám mây mang theo mưa lớn di chuyển. Tuy nhiên, từ đêm 3/7, vùng mưa lớn gây lũ lụt ở khu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử sẽ bắt đầu dịch chuyển lên phía Bắc. Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo mưa lớn sẽ trút xuống các tỉnh Tứ Xuyên, Trùng Khánh và một số khu vực thuộc các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam và Sơn Đông.