Trung Quốc trước ngã rẽ quan trọng

Hải Ngọc |

Đến năm 2030, số người cao tuổi Trung Quốc có thể bằng số người cao tuổi tại tất cả quốc gia phát triển cộng lại

Trong vòng 10 năm tới, mỗi năm Trung Quốc sẽ có thêm bình quân 10 triệu người trên 60 tuổi.

Nếu như năm ngoái nước này có 209,78 triệu người trên 65 tuổi (chiếm 14,9% dân số) thì đến năm 2050, số công dân cao tuổi sẽ là 520 triệu người (chiếm 37,8% dân số). Con số đầu tiên là theo thống kê chính thức, còn con số sau là dự báo của nhà nhân khẩu học hàng đầu Trung Quốc Đỗ Bằng - người đồng thời là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc.

"Thập kỷ sắp tới là khoảng thời gian quan trọng để Trung Quốc tập trung đối phó tình trạng già hóa dân số" - ông Đỗ Bằng trả lời phỏng vấn chương trình Tencent Finance gần đây.

Trong vài năm gần đây, Trung Quốc liên tục bày tỏ sự lo lắng trước hàng loạt thách thức về nhân khẩu, nổi bật là tỉ lệ sinh thấp và xã hội già hóa nhanh. Năm 2022, lần đầu tiên trong vòng 6 thập kỷ, dân số Trung Quốc sụt giảm, giảm 850.000 người, còn 1 tỉ 411,8 triệu người. Tỉ lệ sinh cùng năm cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục, với 9,56 triệu đứa trẻ chào đời.

Trung Quốc trước ngã rẽ quan trọng - Ảnh 1.

Ảnh: Tân Hoa Xã

Lực lượng lao động suy giảm theo thời gian không chỉ làm tiêu hao động lực kinh tế mà còn tạo thêm áp lực cho quỹ lương hưu quốc gia vốn đã rất căng thẳng. Năm 2020, lần đầu tiên lương hưu trở thành nguồn thu nhập chính của người cao tuổi Trung Quốc thay cho tiền hỗ trợ của gia đình.

Thiếu hụt lao động cũng khiến chính phủ Trung Quốc vào đầu năm 2022 thông báo sẽ nâng dần tuổi hưu - hiện 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ (làm việc văn phòng) và 50 tuổi với nữ công nhân.

Tuy chưa có thời gian biểu cụ thể song tiến trình này có thể bắt đầu từ cuối năm 2025.

Một nghiên cứu trước đó của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo quỹ lương hưu người lao động đô thị - xương sống của hệ thống lương hưu Trung Quốc - sẽ cạn tiền vào khoảng năm 2035, nguyên nhân là do suy giảm lực lượng lao động.

Cụ thể, quỹ này sẽ đạt đỉnh vào năm 2027 với mức 7.000 tỉ nhân dân tệ, sau đó giảm dần xuống mức 0 vào năm 2035.

Không chỉ lương hưu mà các dịch vụ y tế và cơ sở chăm sóc người lớn tuổi cũng rất cấp bách. Tổ chức Y tế thế giới cho biết đến năm 2050, thế giới sẽ có 2,1 tỉ người trên 60 tuổi. Năm ngoái, người trên 65 tuổi chiếm 29,1% dân số Nhật Bản, còn ở Mỹ, Hàn Quốc đều là 17% và Ấn Độ là 7% - theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.

Do đó, ông Đỗ Bằng nhấn mạnh Trung Quốc cần xúc tiến việc tích hợp bảo hiểm lương hưu tư nhân, tăng cường y tế toàn dân và chuẩn hóa hệ thống chăm sóc người cao tuổi. Ngoài ra, hệ thống hưu trí cần linh hoạt hơn, bắt đầu với những ngành nghề có nhu cầu cao như giáo viên và bác sĩ.

Trung Quốc trước ngã rẽ quan trọng - Ảnh 3.

Tốc độ già hóa dân số nhanh buộc Trung Quốc phải tăng cường hệ thống chăm sóc người cao tuổi Ảnh: TÂN HOA XÃ

Dù vậy, đến lúc này vẫn chưa có giải pháp căn cơ nào được chính phủ Trung Quốc công bố - theo South China Morning Post.

Dữ liệu của Bộ Dân chính cho thấy tính đến cuối năm 2021 mới có 5,04 triệu giường chăm sóc người già trong khi 40 triệu người cao tuổi được chăm lo bởi các nguồn hỗ trợ chính phủ trị giá 53,1 tỉ nhân dân tệ (khoảng 7,3 tỉ USD).

Một số địa phương cũng tìm cách kết hợp giải quyết 2 vấn đề nan giải là chăm sóc người lớn tuổi và cung cấp nhà ở cho giới trẻ ở những thành phố lớn.

Lấy ví dụ là chương trình "nhà ở đa thế hệ" do Phòng Dân chính quận Tân Giang, TP Hàng Châu thực hiện từ năm 2019 đến nay. Các nhóm khoảng 15 - 20 sinh viên mới ra trường ký hợp đồng 1 năm với nhà dưỡng lão công địa phương; họ cùng ăn uống, dẫn người lớn tuổi đi dạo…, đổi lại có chỗ ở miễn phí.

Dù vấp phải nhiều hoài nghi từ giới chuyên gia song đây vẫn là cách tiếp cận được chú ý, nhất là khi năm nay có thêm đến 11,58 triệu sinh viên Trung Quốc ra trường tìm việc làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại