Trung Quốc trồng 'siêu khoai tây': Chỉ nặng hơn 100gram, chịu được nhiệt độ cao, tiết kiệm 10 ngày tăng trưởng

Vũ Anh |

Hai giống khoai tây phổ biến nhất đã được trồng trong hơn 3 tháng tại một buồng kín ở Trung Quốc.

Nhằm bảo vệ nguồn cung lương thực, ông Li Jieping - một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP) Bắc Kinh - đang nghiên cứu tác động của nhiệt độ cao đối với loại cây này. Hai giống khoai tây phổ biến nhất đã được trồng trong hơn 3 tháng tại một buồng kín, đặt ở nhiệt độ cao hơn 3 độ C so với nhiệt độ trung bình hiện tại ở phía Bắc Hà Bắc và Nội Mông - các tỉnh chuyên trồng khoai tây ở Trung Quốc.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Climate Smart Agriculture trong tháng 11 phát hiện ra rằng, nhiệt độ cao hơn giúp đẩy nhanh quá trình phát triển của củ khoai tây thêm 10 ngày, song lại giảm hơn một nửa năng suất. Chúng chỉ nặng 136 gram, tức chưa bằng một nửa so với khoai tây thông thường ở Trung Quốc, nơi các giống phổ biến nhất thường to gấp đôi quả bóng chày.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc được công bố vào tháng 10, thế giới đang phải đối mặt với mức tăng nhiệt lên tới 3,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp những năm 2100. Trong bối cảnh đó, thách thức lớn nhất đối với khoai tây là mưa lớn. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây ra nhiều loại bệnh, đồng thời làm chậm đáng kể tiến độ thu hoạch, theo người quản lý trang trại ở Nội Mông Wang Shiyi.

Nghiên cứu của CIP như một phần nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm giúp nông dân thích nghi với thời tiết ấm và ẩm. Ông Li cho biết, họ có thể sẽ cần phải trồng trọt vào mùa xuân thay vì đầu mùa hè hoặc di chuyển đến những vùng đất cao hơn để tránh nóng.

“Nông dân phải bắt đầu chuẩn bị cho biến đổi khí hậu”, ông Li Jieping cho biết. “Nếu chúng ta không tìm ra giải pháp, họ sẽ kiếm được ít tiền hơn từ năng suất thấp hơn và giá khoai tây có thể tăng”.

Trước đó, công ty sản xuất khoai tây giống Yakeshi Senfeng Potato Industry cũng đã đầu tư vào hệ thống khí canh để trồng cây trong không khí trong điều kiện được kiểm soát. Nông dân ngày càng đòi hỏi các giống khoai tây có năng suất cao hơn và ít bị bệnh hơn, đặc biệt là bệnh mốc sương - nguyên nhân gây ra nạn đói khoai tây ở Ireland vào giữa thế kỷ 19.

Được biết, Trung Quốc là nước sản xuất khoai tây lớn nhất thế giới, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, giống cây này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao và biến đổi khí hậu do khí thải từ nhiên liệu hóa thạch đẩy nhiệt độ lên mức cao mới.

Trước đó, các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo ra bước đột phá mới trong nhân giống khoai tây lai bằng cách sử dụng bộ gen tiến hóa để xác định đột biến có hại. Bước đột phá, thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu từ Viện Genomics Nông nghiệp tại Thâm Quyến, được công bố trên Tạp chí Khoa học Cell.

Khoai tây là cây lương thực có củ quan trọng nhất, đồng thời là một trong những cây trồng chủ lực ở hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc. Wu Yaoyao, một thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu, cho biết so với các loại cây lương thực khác, khoai tây cần ít nước hơn và có thể trồng ở nhiều khu vực khác nhau.

Theo: China Daily

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại