Tên lửa SLS thuộc sứ mệnh Artemis I - Ảnh: NASA
Phát biểu với Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc, ông Liu Bing, giám đốc thiết kế tại Học viện Công nghệ triển khai phương tiện phóng Trung Quốc (CALT), xác nhận hướng đi mới của Long March 9 nhưng cho biết thiết kế vẫn chưa được hoàn thiện, theo trang tin SpaceNews .
Sự phát triển này đã thu hút sự chú ý của tỉ phú Elon Musk, người dẫn đầu ý tưởng tái sử dụng tên lửa và đã chứng minh được bằng thực tiễn. "Tên lửa không thể tái sử dụng sẽ không có tương lai", CEO SpaceX đã tweet để đáp lại bài báo của SpaceNews .
Theo SpaceNews , ban đầu Trung Quốc đang tìm cách mô phỏng siêu tên lửa SLS của NASA, nhưng hiện họ đang tìm cách chế tạo một loại tên lửa giống với tên lửa của SpaceX hơn.
Kế hoạch mới cho tên lửa Long March 9 sẽ là một tên lửa ba giai đoạn, cao 108m, đường kính 10m và nặng 4.180 tấn.
Tên lửa này có khả năng chuyển 150 tấn hàng lên quỹ đạo Trái đất thấp (LEO), 50 tấn lên quỹ đạo Mặt trăng, 35 tấn lên quỹ đạo sao Hỏa. Tên lửa dự kiến sẵn sàng cho chuyến bay thử nghiệm vào khoảng năm 2030.
Trong khi đó, tên lửa SLS cao 98m cùng với tàu vũ trụ Orion của NASA tiêu tốn hơn 50 tỉ USD để phát triển. Chưa kể mỗi lần phóng tên lửa Artemis dự kiến sẽ tiêu tốn tới 4,1 tỉ USD - mức giá mà Tổng Thanh tra Mỹ Paul Martin gọi là "không tưởng tượng được" tại phiên điều trần của Tiểu ban Hạ viện về vũ trụ và hàng không vào ngày 1-3.
Đến nay, tên lửa SLS vẫn chưa rời bệ phóng và nó đã lỗi thời.
Tuy nhiên trang tin Gizmodo cũng lưu ý, NASA đưa ra quyết định sử dụng một con tàu siêu lớn và chỉ xài một lần vào 12 năm trước, trong một quyết định được dẫn dắt nhiều bởi chính trị và những hạn chế về ngân sách. Thời điểm đó, mọi người đều không nghĩ rằng tên lửa có thể tái sử dụng một cách khả thi và an toàn.
Đối với SLS, chỉ có thời gian mới biết liệu tên lửa đắt tiền này có tương lai hay không.
Quốc hội và những người nộp thuế Mỹ có thể cảm thấy chán ngấy với khái niệm này. Thay vào đó, họ chọn giải pháp của tỉ phú Elon Musk.