Theo một quan chức của Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA), tàu cảnh sát biển Trung Quốc từng xuất hiện nhiều lần xung quanh cụm bãi cạn South Luconia, ngoài khơi thị trấn giàu dầu mỏ Miri thuộc bang Sarawak của Malaysia.
“Hành động lao tàu như vậy trông giống như đang tấn công thuyền của chúng tôi, có thể để đe dọa” – một nguồn tin tiết lộ với hãng tin Reuters một đoạn video ghi lại một vụ xảy ra trước đây nhưng chưa từng được báo cáo.
Một tướng cấp cao cho biết Malaysia bây giờ cần phải cứng rắn trước các cuộc xâm nhập trên biển trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng khắp biển Đông.
Theo các nhà ngoại giao phương Tây, với “mối quan hệ đặc biệt”, phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Malaysia không mấy phản ứng mạnh mẽ đối với hành động hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển này.
Nước này từng xem nhẹ 2 cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc vào năm 2013 và 2014 ở bãi cạn James, cách bờ biển Sarawak chưa tới 50 hải lý. Chưa kể trong năm 2015, việc ngư dân Malaysia ở Miri bị những người đàn ông có vũ trang trên tàu Cảnh sát biển Trung Quốc bắt nạt bị làm ngơ.
Mãi cho đến hồi tháng 3, hơn 100 tàu cá Trung Quốc bị phát hiện lấn tới cụm bãi cạn South Luconia, phía Nam của quần đảo Trường Sa, Malaysia mới triển khai tàu hải quân và triệu tập đại sứ Trung Quốc yêu cầu giải thích rõ vụ việc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bao biện rằng tàu đánh cá nước này đánh bắt bình thường ở “các vùng biển liên quan”. Chỉ một vài tuần sau đó, Malaysia công bố kế hoạch thiết lập một cơ sở điều hành hải quân gần Bintulu, phía Nam của Miri.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia khẳng định cơ sở này sẽ chứa máy bay trực thăng, máy bay do thám và một lực lượng đặc nhiệm. Nó có nhiệm vụ bảo vệ tài sản dầu mỏ và khí đốt phong phú của đất nước trước nguy cơ tấn công của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có trụ sở tại miền Nam Philippines, tức cách hàng trăm cây số về phía Đông Bắc.
Thế nhưng, ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, thắc mắc liệu điều đó có thực là do IS. Một số quan chức và chuyên gia cho rằng hành vi trên biển Đông của Trung Quốc mới là nguyên nhân xâu xa.