Trung Quốc: tràn ngập ứng dụng "điểm mặt chỉ tên" công dân thô lỗ, trốn nợ, vi phạm luật giao thông

Tấn Minh |

Thông qua các danh sách đen và điểm thưởng, hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc có thể được xem là một thử nghiệm về thao túng xã hội.

Hãy tưởng tượng bạn vừa bước lên máy bay thì phát hiện một người cực kỳ thô lỗ đang ngồi trên ghế của mình, không chịu rời đi. Cả đội ngũ tiếp viên cũng không thể khiến gã này xê dịch nửa bước.

Trong một thế giới hoàn hảo, gã này chắc chắn sẽ bị cấm không bao giờ được bay nữa. Và điều đó thực ra sắp thành hiện thực tại Trung Quốc.

Chengxin Chunyun, một ứng dụng do các cơ quan chính quyền địa phương phát triển, cho phép người dùng chụp ảnh những gã hành khách bất lịch sự trên tàu/máy bay và đăng tải chúng nên nền tảng cùng một vài lời miêu tả về hành vi của chúng, như chen ngang khi xếp hàng, hút thuốc lá, hoặc gây rối mất trật tự. Trên lý thuyết, một khi một vụ việc được xác nhận, gã hành khách khó chịu kia có thể bị cấm không cho lên máy bay trong tương lai nữa.

Chengxin Chunyun không hoạt động nữa, ít nhất là ở thời điểm này, nhưng đây cũng chỉ là một trong rất nhiều ứng dụng - một số giống, một số rất khác - nằm trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng hệ thống tín nhiệm xã hội trên khắp đất nước.

Trung Quốc: tràn ngập ứng dụng điểm mặt chỉ tên công dân thô lỗ, trốn nợ, vi phạm luật giao thông  - Ảnh 1.

Ứng dụng báo cáo hành khách thô lỗ này bắt nguồn từ một biến cố có thật gây chấn động mạng tại Trung Quốc vào năm 2017

Truyền thông đã miêu tả hệ thống tín nhiệm xã hội này như một mưu đồ phục vụ cho một tương lai u ám. Người ta thường so sánh nó với một tập phim trong series Black Mirror, hay hệ thống dùng để kiểm soát xã hội xuất hiện trong cuốn sách Nineteen Eighty-Four của George Orwell. Nhưng sự thật thì phức tạp hơn rất nhiều.

Tín nhiệm xã hội như cách chúng đang hiện diện ngày nay thực ra được tạo dựng nên từ nhiều hệ thống khác nhau, và mục tiêu nó hướng đến là hết sức bình thường, chứ không phải là công cụ dẫn đến một kỷ nguyên độc tài số như chúng ta vẫn tưởng.

Theo cách dễ hình dung nhất thì hệ thống này có thể ví như một cơ sở dữ liệu thu thập thông tin về người dân và các công ty. Tuy nhiên, nhiều phần của nó lại "lấn" sang lằn ranh mong manh của hoạt động thao túng xã hội (social engineering) thông qua ứng dụng công nghệ. Nhiều hệ thống hoạt động khác nhau, nhưng đều hướng đến việc thưởng cho các hành vi "tốt" và trừng phạt những hành vi "xấu", đôi lúc bằng những điểm thưởng.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hệ thống này không "nhẹ nhàng" như vậy. Nó sẽ xướng tên và "hạ nhục" những cá nhân bị đưa vào sổ đen, đặc biệt là những người không tuân thủ các phán quyết của tòa án. Và đây là lúc hệ thống tín nhiệm xã hội bắt đầu trở nên đen tối, các chuẩn mực đạo đức bị xóa nhòa.

Một hình phạt khá nổi tiếng của hệ thống này là đưa vào sổ đen những hành khách đi tàu cao tốc, máy bay, và những phương tiện được xem là "sang trọng". Hiện có 13 triệu người nằm trong sổ đen tín nhiệm được các tòa án tại Trung Quốc trông coi.

Nhưng bạn có thể tìm thấy nhiều ví dụ đáng ngạc nhiên hơn nữa, và chính quyền địa phương thậm chí còn đang nghiên cứu để tung ra những công cụ ứng dụng công nghệ cho phép công dân gây thêm áp lực lên những "con cừu đen" của xã hội này.

Bạn đang tự hỏi mình không nên làm ăn với kẻ nào? Tại Trung Quốc hiện có ít nhất cả chục ứng dụng cho phép người dùng tìm kiếm tên của những "laolai" hoặc "deadbeat" - những người không tuân thủ phán quyết của tòa, hay không trả đủ các khoản nợ - trong danh sách đen của tòa án. Một trong số đó là ứng dụng Laolai Checker, và ứng dụng này còn cho phép bạn báo cáo để đưa một "laolai" vào cơ sở dữ liệu nữa.

Trung Quốc: tràn ngập ứng dụng điểm mặt chỉ tên công dân thô lỗ, trốn nợ, vi phạm luật giao thông  - Ảnh 2.

Tên thật của các "deadbeat" hiện ra trên trang chủ chính thức của Tòa án tối cao Trung Quốc

Một tòa án ở phía Đông Trung Quốc thậm chí còn khuyến khích tố giác những người trốn nợ tại địa phương bằng cách gửi quảng cáo đến gia đình và bạn bè họ trên WeChat, đề nghị thưởng tiền nếu những người thân này cho tòa án biết về những món nợ mới của người trốn nợ kia.

Bạn đang tự hỏi liệu có bao nhiêu người như vậy đang ở quanh bạn ngay lúc này? Có một chương trình con của WeChat hiển thị bản đồ cho thấy những người trốn nợ đang đứng trong phạm vi 500 mét từ chỗ bạn (tuy nhiên nó chỉ hoạt động ở đúng một thành phố là Thạch Gia Trang).

Có vẻ đó là một cách thô lỗ để buộc người ta trả các khoản nợ tòa án, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết phương thức này thực sự có hiệu quả.

"Vì bất kỳ lý do hay mục đích gì, người ta cũng sẽ cố để xóa tên chính mình khỏi danh sách đó" - Dev Lewis, nhà nghiên cứu tại Digital Asia Hub, cho biết.

Trung Quốc còn nghĩ ra hàng chục danh sách đen khác nhau, nhưng chúng thường không có các ứng dụng đi kèm cho phép người lạ báo cáo các hành vi xấu. Chúng bao gồm những danh sách nhằm hạ uy tín những người vi phạm luật giao thông và những khách du lịch ngang ngược thông qua nhận dạng khuôn mặt, trừng phạt những hành khách...nhai thức ăn trên tàu điện ngầm, và đáng quan ngại hơn, những người lan truyền những nội dung nhất định lên mạng.

Nhưng chính quyền các địa phương cũng đưa ra nhiều cách ít xâm phạm hơn để chỉnh đốn hành vi của các công dân, và đây là lúc bạn sẽ thấy nó có những nét giống với Black Mirror.

Nhiều thành phố Trung Quốc đang thử nghiệm các ứng dụng hệ thống tín nhiệm xã hội của chính họ, với dữ liệu thu thập bởi chính quyền địa phương và cơ sở dữ liệu tín nhiệm xã hội duy trì bởi Ủy ban Tái thiết và Phát triển Quốc gia (NDRC). Nhiều trong số các ứng dụng này sẽ tặng điểm thưởng - như My Nanjing của Nam Kinh, ứng dụng Bailu Points của Hạ Môn, và Moli của Phúc Châu - nhưng các quy định thường có sự khác biệt giữa các thành phố và các ứng dụng khác nhau. Có nơi, điểm số có thể giao động từ 0 đến 200, nhưng có nơi điểm thưởng có thể tăng lên tối đa 1.000.

Tuy nhiên, một số ý nghĩ thường thấy trên các phương tiện truyền thông, như người ta không muốn hẹn hò với người khác bởi họ có điểm số tín nhiệm xã hội thấp hơn, đều là những thông tin gây hiểu nhầm. Trên thực tế, các ứng dụng như thế này giống các chương trình tích điểm thành viên hơn. Điểm tốt có thể mang lại cho bạn những ưu đãi như được xếp hàng trước để lấy passport nhanh hơn, mượn sách từ thư viện mà không cần cọc hoặc được giảm giá khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

"Tôi nghĩ họ đang cố thay đổi chính phủ theo những hướng nhỏ lẻ" - Lewis nói. "Những hành động nhất định sẽ được điểm, và điểm sẽ mang lại cho bạn những ưu đãi nhất định".

Trung Quốc: tràn ngập ứng dụng điểm mặt chỉ tên công dân thô lỗ, trốn nợ, vi phạm luật giao thông  - Ảnh 3.

Ứng dụng eFuzhou cung cấp một loạt các dịch vụ chính phủ số và có điểm tín nhiệm xã hội riêng gọi là Moli hay Jasmine

Ở Phúc Châu, một thành phố phía Đông Nam Trung Quốc, tham gia hoạt động tình nguyện có thể mang lại cho bạn 10 điểm, còn nếu là một Đảng viên gương mẫu, bạn sẽ được 50 điểm. Nếu bạn nhận được một phần thưởng cấp quốc gia, bạn đạt điểm tối đa là 80.

Mặt khác, một vi phạm giao thông nhỏ có thể khiến bạn bị trừ 30 điểm, không trả lương cho nhân viên sẽ bị trừ 100 điểm, và không tuân thủ phán quyết của tòa án sẽ khiến điểm số của bạn ngay lập tức tụt về 0, đồng thời đưa bạn vào sổ đen. Những hệ thống như thế này làm dấy lên rất nhiều câu hỏi, bao gồm rằng làm sao để có thể cho một người số điểm hợp lý, tương ứng với hành vi tốt của họ?

Lewis, vốn đang nghiên cứu các hệ thống tín nhiệm xã hội tại Trung Quốc, cho biết các ứng dụng như thế này có tỉ lệ thành công khá thấp. Tại một số thành phố, như Hạ Môn, chỉ khoảng 5% dân số quan tâm tải về ứng dụng. Nhưng người ta dự đoán những điểm số cá nhân này một ngày nào đó sẽ được sử dụng cho một hệ thống điểm số quốc gia nào đó.

Trung Quốc: tràn ngập ứng dụng điểm mặt chỉ tên công dân thô lỗ, trốn nợ, vi phạm luật giao thông  - Ảnh 4.

Một số chuyên gia lo ngại rằng dữ liệu nhận dạng khuôn mặt từ các camera giám sát của Trung Quốc sẽ trở thành một phần của hệ thống tín nhiệm xã hội

Một nỗi lo khác là bộ sưu tập dữ liệu ở "trái tim" của hệ thống tín nhiệm xã hội sau này sẽ bao gồm cả dữ liệu nhận dạng khuôn mặt từ các hệ thống giao thông, xác định mọi người và vị trí của họ ngay tức thời. Nhưng dù cho những mối quan ngại về trí tuệ nhân tạo công nghệ cao và nhận dạng khuôn mặt có thể được áp dụng vào tín nhiệm xã hội, nhiều hệ thống hiện nay chẳng ngần ngại chia sẻ thông tin như giấy phép lái xe, bản ghi tòa án, hay các chứng nhận giải thưởng chính phủ từ một văn phòng chính phủ sang cho các ứng dụng khác.

"Hiện nay, bộ sưu tập dữ liệu và những thứ trong cơ sở dữ liệu chính quyền trung ương đều rất thô sơ". Nhưng trong tương lai, dữ liệu trong các hệ thống tín nhiệm xã hội có thể được sử dụng theo những cách mà chẳng ai ngờ tới được.

"Trong tương lai, các ứng dụng tính điểm tín dụng xã hội có thể chết đi. Người ta sẽ thấy những điểm số đó không thực sư hữu dụng. Nhưng bạn vẫn sẽ nắm giữ các bộ dữ liệu đã thu thập" - Lewis nói.

Các trung tâm dữ liệu ở mức độ thành phố lẫn quốc gia đang làm những điều họ chưa từng làm được trước đây, Lewis nói thêm. Dần dần, chính phủ sẽ có những bộ dữ liệu hoàn thiện và đa dạng hơn, có thể giúp tạo ra những ứng dụng thú vị phục vụ cho chính phủ điện tử, khiến đời sống người dân dễ dàng hơn... hoặc khó khăn hơn.

Tham khảo: AbacusNews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại