Trung Quốc tính xây hàng chục phòng thí nghiệm sinh học giữa tranh cãi nguồn gốc Covid-19

Kiều Anh |

Trung Quốc đang có kế hoạch xây hàng chục phòng thí nghiệm sinh học cấp 3 và 1 phòng thí nghiệm sinh học cấp 4 trong 5 năm tới.

Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: Reuters

Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: Reuters

Quyết định trên được đưa ra giữa bối cảnh các nhà điều tra đang xem xét lại khả năng virus SARS-CoV-2 có thể đã lọt ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có kế hoạch xây dựng 25 - 30 phòng thí nghiệm sinh học cấp 3 và 1 phòng thí nghiệm sinh học cấp 4, Financial Times đưa tin. Viện Virus học Vũ Hán là nơi đặt 1 phòng thí nghiệm sinh học cấp 4, bị cáo buộc đã tiến hành các hoạt động tăng cường chức năng nghiên cứu (gain of function - GOF).

Giám đốc phòng thí nghiệm này, Yuan Zhiming đã nêu chi tiết những thiếu sót về an toàn của các phòng thí nghiệm Trung Quốc trong một báo cáo năm 2019.

"Những phòng thí nghiệm sinh học cấp cao không có đủ ngân sách hoạt động cho các quy trình thường xuyên nhưng cần thiết. Do nguồn lực hạn chế, một số phòng thí nghiệm cấp 3 chỉ hoạt động với kinh phí cực kỳ tối thiểu hoặc trong một số trường hợp thậm chí không có kinh phí", ông Yang nhận định với Financial Times.

Mức độ sẵn sàng về an toàn sinh học của Trung Quốc ở cấp trung bình trong khi chỉ số này ở Mỹ ở mức cao, Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu cho hay. Trung Quốc đã thông qua luật mới nhằm cải thiện mức độ an toàn sinh học vào năm ngoái và vào tháng 1/2020, những phòng thí nghiệm sinh học nghiên cứu các mẫu virus SARS-CoV-2 được yêu cầu không tiết lộ thông tin về virus nếu không có sự cho phép của chính phủ.

Giả thuyết virus lọt ra khỏi phòng thí nghiệm đã "nóng" lại trong những tuần qua sau khi một bài báo của Wall Street Journal tiết lộ, 3 nhà nghiên cứu ở Viện Virus học Vũ Hán có các triệu chứng của Covid-19 vào cuối năm 2019, ngay trước khi đại dịch bùng phát.

"Chúng ta không biết điều gì đã xảy ra nhưng rất nhiều dữ liệu có lẽ đã bị hủy hoặc đã biến mất, vì thế, sẽ rất khó để chứng minh về hoạt động ‘tăng cường chức năng nghiên cứu’ là nguyên nhân của đại dịch", Richard Dearlove, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo MI6 của Anh nhận định với Telegraph.

Hoạt động tăng cường chức năng nghiên cứu (GOF) là chủ đề gây tranh cãi. Các nghiên cứu GOF tập trung vào việc điều chỉnh các tác nhân gây bệnh để khiến chúng dễ lây nhiễm hơn, nguy hiểm hơn hoặc có thể thoát khỏi các phương pháp điều trị và vaccine dễ dàng hơn - tất cả đều nhằm học cách đối phó với chúng hiệu quả hơn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại