Trung Quốc tìm mọi cách đảm bảo đủ nước cho phi hành gia trên trạm vũ trụ Thiên Cung, không ngại tái chế cả nước tiểu

Minh Tiến |

Nước uống còn không đủ, quần áo của các phi hành gia thay xong cũng phải bỏ thùng rác chứ không hề được giặt giũ.

Tính đến ngày hôm nay, ba phi hành gia Trung Quốc được tàu vũ trụ Thần Châu-12 đưa lên trạm vũ trụ có tên Thiên Cung của nước này, đã trải qua quãng thời gian trên trạm khoảng hơn 40 ngày, phá vỡ kỷ lục 33 ngày do phi hành đoàn Thần Châu-11 thiết lập vào năm 2016 .

Để đảm bảo cuộc sống của các phi hành gia trên trạm không gian, các nhà khoa học Trung Quốc đã tính toán và thực hiện các giải pháp hoàn hảo để cung cấp cho họ những thứ cần thiết, nhiều khi ngoài sự tưởng tượng của chúng ta.

Và nước là một trong những thứ thiết yếu bậc nhất, bởi một nguồn cung cấp nước an toàn và đáng tin cậy là điều quan trọng sống còn cho các phi hành gia ở lâu trong trạm vũ trụ. Vậy, nó được các nhà khoa học Trung Quốc giải quyết như thế nào?

Trung Quốc tìm mọi cách đảm bảo đủ nước cho phi hành gia trên trạm vũ trụ Thiên Cung, không ngại tái chế cả nước tiểu - Ảnh 1.

Nước được cung cấp cho các phi hành gia theo ba cách: vận chuyển lên bằng tàu vũ trụ, sản xuất tại chỗ và tái chế.

Trước khi phóng Thần Châu-12, một tàu chở hàng mang tên Thiên Châu-2 đã đưa một lượng nước đáng kể, cùng với các nhu yếu phẩm khác, đến mô-đun lõi trước, để chuẩn bị cho các phi hành gia. Theo Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái Trung Quốc, hơn 10 túi nước lớn để sử dụng hàng ngày và tạo oxy điện phân đã được chuyển đến mô-đun lõi này.

Nước cũng có thể được tạo ra tại trạm vũ trụ bằng pin nhiên liệu, khi hydro và oxy được kết hợp để tạo thành nước trên hai điện cực với sự có mặt của chất xúc tác. Phản ứng này cũng tạo ra năng lượng, được chuyển đổi thành điện năng, để cung cấp năng lượng hoạt động cho trạm vũ trụ. Nước được tạo ra thông qua phản ứng trên sẽ được làm lạnh, hạ nhiệt độ xuống còn 18 đến 24 độ C và được làm sạch bằng máy khử trùng ion bạc trước khi được đưa vào bể chứa.

Trong thời gian ba tháng qua, các phi hành gia Trung Quốc đã tiêu thụ rất nhiều nước. Vì vậy, lượng nước đưa lên trạm ban đầu vẫn là không đủ, nên việc tái chế và tái sử dụng nước trở nên rất cần thiết để giúp cung cấp đủ nhu cầu nước sinh hoạt.

Để đảm bảo nước để hoạt động lâu dài và cả đảm bảo về mặt kinh tế, trạm vũ trụ này sử dụng Hệ thống Kiểm soát Môi trường và Hỗ trợ Cuộc sống (ECLSS), có nhiệm vụ tái chế các nguồn cung thiết yếu, trong đó có nước.

ECLSS có thể thu gom hơi nước do các phi hành gia thải ra thông qua một mô-đun làm khô và ngưng tụ. Sau đó, chúng được xử lý bằng thiết bị lọc, nước ngưng tụ cuối cùng được chuyển thành nước tái chế để uống. Dữ liệu về hoạt động sinh lý của con người cũng cho thấy mỗi phi hành gia thải ra khoảng 2 kg nước tiểu và nước xả mỗi ngày trong quá trình sinh hoạt trên trạm vũ trụ. Họ cũng thở ra khoảng 1,8 kg hơi nước vào cabin trong cùng thời gian trên.

Trung Quốc tìm mọi cách đảm bảo đủ nước cho phi hành gia trên trạm vũ trụ Thiên Cung, không ngại tái chế cả nước tiểu - Ảnh 2.

Một phi hành gia Trung Quốc kiểm tra nguồn cung cấp tại trạm vũ trụ của Trung Quốc.

Nước cung cấp cho sinh hoạt của các phi hành gia trong trạm không gian dù có được tái chế hoàn toàn thì vẫn rất hạn chế và chỉ được sử dụng cho các nhu cầu tối thiểu nhất. Vậy các phi hành gia giặt quần áo trong không gian như thế nào?

Câu trả lời là trên thực tế, họ không giặt quần áo.

"Không thể giặt quần áo trên trạm vũ trụ quốc tế ISS! Rất đơn giản, vì nó sẽ tốn quá nhiều nước", một chuyên gia của Cơ quan Vũ trụ Canada cho biết. "Do đó, các phi hành gia mặc quần áo cho đến khi chúng quá bẩn và sau đó vứt chúng ra ngoài. Tất cả chất thải của ISS kể cả quần áo sẽ bốc cháy hoàn toàn khi rơi vào trong bầu khí quyển."

Đối với các phi hành gia Trung Quốc, điều tương tự cũng xảy ra bởi nước trong trạm vũ trụ là linh thiêng, không thể dùng để giặt quần áo được.

Trung Quốc tìm mọi cách đảm bảo đủ nước cho phi hành gia trên trạm vũ trụ Thiên Cung, không ngại tái chế cả nước tiểu - Ảnh 3.

Liu Weibo, phó trưởng thiết kế hệ thống phi hành gia của Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái Trung Quốc cho biết: "Tài nguyên quý giá nhất trên quỹ đạo là nước và cách chúng ta tiết kiệm là tái chế nó".

Ông nói rằng nước trong trạm vũ trụ, nếu bị ô nhiễm bởi chất tẩy rửa hoặc bất cứ thứ gì từ cơ thể con người, thì khó có thể được thanh lọc hoàn toàn trở lại. Do đó việc không giặt ủi trong vũ trụ là dựa trên tính toán về chi phí.

"So với việc giặt quần áo trong không gian, hệ thống quần áo dùng một lần tỏ ra tiết kiệm chi phí hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là phải đều đặn thay quần áo mới và vứt bỏ quần áo đã qua sử dụng", ông Liu giải thích.

"Phải thay đổi thường xuyên nhất là đồ lót, sau đó là quần áo tập thể dục và tất. Còn bộ trang phục chỉnh tề có thể mặc trong hơn một tháng. Chúng tôi đã đặt lịch thời gian khác nhau cho các loại quần áo khác nhau", ông Liu nói thêm.

Vậy, hy vọng rằng các bộ đồ vũ trụ đẹp mắt mà chúng ta nhìn thấy các phi hành gia Trung Quốc đang mặc trong những bức ảnh, khi họ về Trái Đất vẫn còn sạch sẽ, thơm tho.

Tham khảo CGTN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại