Trung Quốc tích trữ hơn 1/2 lượng ngũ cốc của thế giới, nguy cơ đẩy giá toàn cầu

Hoàng Trang |

Tình trạng quan hệ căng thẳng với Mỹ và Australia hiện nay có thể là một phần nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc tăng cường dự trữ lương thực.

Trung Quốc đang duy trì dự trữ lương ở mức cao kỷ lục. Ảnh: Nikkei

Trung Quốc đang duy trì dự trữ lương ở mức cao kỷ lục. Ảnh: Nikkei

Nhật báo tài chính Nikkei Asia đưa tin Trung Quốc mặc dù chiếm chưa đầy 20% dân số thế giới nhưng lại đang lên kế hoạch dự trữ hơn một nửa sản lượng ngô và các ngũ cốc khác. Động thái này có thể làm giá cả tăng vọt toàn cầu cũng như đẩy thêm nhiều quốc gia rơi vào cảnh thiếu ăn.

Việc Trung Quốc tái khẳng định mục tiêu dài hạn là tự túc gần như hoàn toàn trong sản xuất thịt lợn đồng nghĩa với việc đất nước này sẽ tiếp tục thu hút nguồn cung ngũ cốc trên toàn cầu để nuôi đàn lợn lớn nhất thế giới.

Theo tờ Bloomberg, quốc gia tiêu thụ 1/2 lượng thịt lợn của thế giới này sẽ duy trì mục tiêu sản xuất nội địa 95% mặt hàng trên cho đến năm 2025. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho hay họ muốn tự cung cấp đủ 100% nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm và trứng, 85% thịt bò và thịt cừu và 70% đối với sữa. Đó chính là một phần trong các mục tiêu an ninh lương thực của nền kinh tế xếp thứ hai toàn cầu.

Để đạt được những mục tiêu trên, nhiều khả năng giới chức địa phương phải tăng cường thu mua đậu tương, ngũ cốc thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài để vỗ béo đàn gia súc, gia cầm trong nước.

Trung Quốc vốn là nhà nhập khẩu đậu tương và ngô hàng đầu. Quốc gia này đã nhập khẩu số lượng lớn chưa từng thấy trong hai năm qua để nuôi đàn lợn đang hồi phục sau cơn sốt dịch tả lợn châu Phi. Việc mua vào ồ ạt đã châm ngòi cho một đợt tăng giá toàn cầu khi các nhà đầu tư lên tiếng bày tỏ lo lắng về nguồn cung.

Ong Darin Friedrichs, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc nghiên cứu thị trường của Sitonia Consulting - đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin nông nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc - cho biết: “Nhập khẩu ngũ cốc thức ăn chăn nuôi có khả năng vẫn ở mức cao trong tương lai gần trước tình hình Trung Quốc bắt đầu ưu tiên sản xuất thịt và sữa trong nước”.

Các mục tiêu tự cung tự cấp vốn đã được phát động từ năm 2020, sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát cách đây khoảng 3 năm tiêu diệt một nửa đàn lợn của Trung Quốc khiến nhu cầu nhập khẩu thịt tăng vọt và đẩy giá thịt lợn tăng kỷ lục. Nó thúc đẩy thúc đẩy hiện đại hóa sản xuất heo hơi và cắt giảm chi phí.

Hiện nay, đàn gia súc của cả nước Trung Quốc đã phục hồi ở mức cao nhất trong 6 năm và ở quy mô lớn hơn 17% so với trước khi dịch bệnh xảy ra.

Kế hoạch tự cung tự cấp trên nằm trong một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung và giá thịt ổn định. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biế sức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại đây sẽ tiếp tục tăng, nhưng sẽ gây ra chênh lệch về cung và cầu đối với ngũ cốc thức ăn chăn nuôi. Cơ quan này cũng lưu ý rằng Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đậu tương.

Tại thời điểm thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ được ký vào tháng 1/2020, giới quan sát kỳ vọng nó sẽ giúp giảm căng thẳng song phương, đồng thời khôi phục một số cán cân thương mại. Tuy vậy, các mục tiêu này dường như rất khó nắm bắt.

Kể từ khi ký kết thỏa thuận giai đoạn một, Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa của Mỹ ở mức kỷ lục. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng trước, Bắc Kinh đã chậm trễ so với cam kết khi mua dưới 59% trong tổng số 200 tỷ USD hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp và năng lượng mà họ từng đặt thời hạn vào cuối năm 2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại