Theo tờ Wall Street Journal, Bắc Kinh đang gây sức ép buộc chính phủ Hà Lan cho phép các công ty của Trung Quốc được phép mua một cỗ máy có tên gọi là "máy in thạch bản cực tím", vốn rất cần thiết để tạo ra các bộ vi xử lý tiên tiến. Đây là sản phẩm được sản xuất bởi ASML -một công ty có trụ sở tại khu vực nông thôn của thị trấn Veldhoven, gần biên giới Bỉ - Hà Lan. Theo C.J. Mus, nhà phân tích của Evercore ISI, ASML là "công ty quan trọng nhất bạn chưa bao giờ nghe đến".
Trên thực tế, ,những cỗ máy do ASML sản xuất luôn xuất hiện trong các nhà máy của những ông lớn như Intel, Samsung, hay thậm chí là cả TSMC – ‘ông vua chip’ của thế giới. Không có máy của ASML, các công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới không thể sản xuất ra những con chip dùng trong smartphone, thiết bị 5G hay máy tính dùng cho trí tuệ nhân tạo.
Máy in thạch bản do ASML sản xuất nằm tại một phòng thí nghiệm của IBM (Ảnh NYT)
Trung Quốc – với tham vọng xây dựng ngành bán dẫn tự lực tự cường - cũng tỏ ra đặc biệt "thèm muốn" máy in thạch bản cực tím trị giá 150 triệu USD của ASML. Nếu có máy móc của ASML trong tay, các nhà sản xuất chip nội địa của Trung Quốc như Huawei sẽ được giải ‘phong ấn’, không cần phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Đáng nói, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thể đặt mua bất kỳ máy in thạch bản cực tím nào từ ASML.
Cỗ máy cho thấy yếu huyệt của Trung Quốc
Được thành lập vào năm 1990 sau khi tách ra khỏi tập đoàn Philips của Hà Lan, ASML là một doanh nghiệp độc lập và là nhà cung ứng thiết bị sản xuất chip lên quan tới công nghệ quang khắc (Photolithography) lớn nhất thế giới.
Về cơ bản, quang khắc (hay in thạch bản) là quá trình sử dụng ánh sáng để in trên các bề mặt cảm quang. Nó được coi là chìa khóa quan trọng bậc nhất trong việc sản xuất chip..
Đầu tiên, các NSX sẽ sử dụng bức xạ ánh sáng để vẽ các đường nét dạng ô vuông bàn cờ trên miếng silicon mỏng. Sau đó, họ tiếp tục khắc những đường nét này, giống như một con dao khắc vào gỗ, nhưng bằng hóa chất. Các ô vuông silicon còn lại sau khi khắc trở thành bóng bán dẫn.
Càng nhiều bóng bán dẫn trên miếng silicon, chip càng mạnh. Một trong những cách tốt nhất để nhồi nhét nhiều bóng bán dẫn hơn vào silicon là vẽ các đường mỏng hơn. Đây cũng chính là điểm đặc biệt của ASML: Các máy in thạch bản cực tím của hãng có khả năng in những đường mỏng thuộc dạng bậc nhất thế giới. Chúng sử dụng tia laser và gương để vẽ các đường rộng 5 nanomet. Để so sánh, một sợi tóc của con người rộng 75.000 nanomet.
Một tấm wafer với đầy đủ các vi mạch được IBM tạo ra từ chiếc máy này (Ảnh NYT)
Để làm được điều này, ASML đã mất hàng thập kỷ phát triển và chỉ chính thức sản xuất số lượng lớn máy in thạch bản cực tím vào năm 2017 với giá bán hơn 150 triệu USD/chiếc. Với trọng lượng lên tới 180 tấn, ASML cần tới 40 container chở hàng, 20 xe tải và 3 chiếc Boeing 747 để có thể giao máy cho khách hàng.
Hiện tại trên thế giới, duy nhất ASML mới sản xuất được những cỗ máy có chỉ số đáng kinh ngạc như vậy. Các đối thủ như Canon và Nikon hiện chỉ sản xuất các công cụ chế tạo chip thế hệ cũ. Intel, Samsung và TSMC — nhận ra vai trò quan trọng của công nghệ trong việc nâng cao sức mạnh tính toán — đã mua cổ phần vào công ty Hà Lan vào năm 2012.
Nắm được điểm yếu, Mỹ liên tục "chiếu tướng" Trung Quốc
Theo WSJ, Trung Quốc chiếm 17% tổng doanh số bán hàng của ASML vào năm 2020. Tuy nhiên, những doanh số bán hàng đó liên quan đến các máy in thạch bản cực tím thế hệ cũ. Các nhà phân tích nhận định, nếu không có những cỗ máy đời mới của ASML, các nhà sản xuất chip Trung Quốc gần như bó tay trong việc tạo ra các con chip tiên tiến nhất. Nói cách khác, nếu không mua được máy của ASML, Trung Quốc sẽ phải chờ ít nhất 10 năm – khoảng thời gian được cho là cần thiết để quốc gia tỷ dân có thể chế tạo các thiết bị tương tự.
Theo nhiều chuyên gia, đây chính là yếu huyệt của ngành sản xuất bán dẫn Trung Quốc. Thật không may, Mỹ đã đã bắt thóp này được yếu huyệt này của Trung Quốc và tìm mọi cách để ngăn chặn, trong bối cảnh cuộc Chiến Tranh Lạnh về công nghệ giữa Mỹ - Trung vẫn diễn ra.
Quang khắc (hay in thạch bản) là quá trình sử dụng ánh sáng để in trên các bề mặt cảm quang.
Vào năm 2019, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây áp lực lên chính phủ Hà Lan để ngăn việc bán máy cho Trung Quốc. 2 năm sau đó, lập trường trên tiếp tục được duy trì dưới thời chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden, do những lo ngại về an ninh quốc gia. Kết quả, chính phủ Hà Lan – dưới sức ép của Mỹ, đã không cấp giấy phép xuất khẩu sang Trung Quốc cho ASML.
Bản thân các động thái vận động hành lang của Mỹ cũng đã khiến quan hệ Trung-Hà Lan trở nên căng thẳng. Theo một số nguồn tin nội bộ, các quan chức Trung Quốc thường xuyên chất vấn các quan chức Hà Lan về việc tại sao không cấp giấy phép cho ASML vận chuyển máy móc sang nước này. Vào năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan còn khẳng định quan hệ thương mại của 2 nước sẽ bị tổn hại nếu ASML không được phép vận chuyển các máy móc tiên tiến của mình tới Trung Quốc.
Cũng phải nói thêm, bản thân cỗ máy của ASML là tác phẩm của kỹ thuật và linh kiện từ Nhật Bản, Mỹ và Đức. Với tính chất toàn cầu như vậy, nó là lời nhắc nhở cho thấy tham vọng tự chủ 100% mảng bán dẫn của Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào đều là chuyện không tưởng, theo nhận xét của tờ New York Times.
Tham khảo WSJ / NYT